Nêu gương bằng việc làm thiết thực

15:08 - Thứ Tư, 14/11/2018 Lượt xem: 10179 In bài viết

ĐBP - Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) bàn thảo những vấn đề hệ trọng của đất nước. Trong đó Hội nghị biểu quyết thông qua Nghị quyết về “trách nhiệm nêu gương” của đảng viên mà trước tiên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đông đảo người dân rất mong chờ và kỳ vọng quy định mới này không chỉ là lời răn đe, cảnh tỉnh mà sẽ là động lực khích lệ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu bằng chính những hành động, việc làm thiết thực.

Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên không phải là mới. Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Ngày 19/12/2016 Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Quy định số 55- QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Sinh thời trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo Người thì “Cán bộ là cái gốc của công việc”; “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”; “Một trăm bài diễn văn không bằng một tấm gương sống”… Thấm nhuần lời dạy của Bác về vai trò nêu gương, có nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu gương mẫu; lời nói luôn đi đôi với việc làm. Dù khó khăn, gian khổ song vẫn một lòng, một dạ kiên trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực của mình dâng hiến cho Đảng và dân tộc.

Trong công cuộc đổi mới đã xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, nhiều tấm gương tiêu biểu tiến công vào khoa học công nghệ, trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Tuy nhiên, qua thực tiễn cũng cho thấy, còn không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ trì, lãnh đạo cấp chiến lược không những không làm gương mà còn là “tấm gương mờ”, vi phạm cả đạo đức lẫn pháp luật, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng. Tình trạng cán bộ nói một đằng, làm một nẻo, nói hay làm dở, nói nhiều làm ít theo kiểu “làm như tôi nói đừng làm như tôi làm”, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vụ lợi diễn ra khá phổ biến.

Người xưa có câu “cán bộ nào, phong trào nấy”. Vấn đề nêu gương không chỉ là cán bộ cấp cao mà phải là tinh thần tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Chức vụ càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng lớn. Cấp trên làm gương cho cấp dưới, đảng viên làm gương cho quần chúng noi theo. Không phải ngẫu nhiên mà người đời đúc kết câu thành ngữ “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Ở cơ quan, đơn vị người trên làm bậy thì khó mong cấp dưới nghiêm chỉnh.

Mỗi hành động, việc làm của cán bộ, lãnh đạo đều có những ảnh hưởng, tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân. Hy vọng rằng sau Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XII) sẽ xuất hiện nhiều “tấm gương sáng”, bằng chính những hành động, việc làm thiết thực. Để vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành nét văn hóa lãnh đạo trong thời kỳ mới.

Đào Duy Tuấn (Báo Quân khu II)
Bình luận
Back To Top