Ðảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình, phê bình

09:36 - Thứ Hai, 10/12/2018 Lượt xem: 10515 In bài viết

ĐBP - Với những khuyết điểm, hạn chế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình, phê bình năm 2017; Ðảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực khắc phục bằng nhiều giải pháp. Qua đó, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tập thể cấp ủy; ý thức tổ chức kỷ luật, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng, cùng các cấp, các ngành trong tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên 42% vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 05 - NQ/TU, ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đề ra.

 

Cán bộ kiểm lâm cùng các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng.

Một trong những nội dung Ðảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức khắc phục đó là giải quyết số vụ vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2017 diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, trong năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 256 vụ vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (tăng 21 vụ so với năm 2016). Ðể khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Sở chủ trì cùng các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở xây dựng kế hoạch làm việc với cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thống nhất phối hợp chỉ đạo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, tăng cường phối hợp chỉ đạo quyết liệt để giảm số vụ vi phạm, giảm diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng, cháy rừng gây ra; chỉ đạo giải quyết dứt điểm số vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng tồn đọng trên địa bàn. Cùng với đó, Sở đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân sống ở nơi có rừng, vùng sâu, vùng xa thay đổi tập quán canh tác truyền thống sản xuất trên nương, không di cư tự do... Xây dựng mạng lưới cộng tác viên cung cấp thông tin về tình hình công tác quản lý bảo vệ rừng ngay từ các thôn, bản để xử lý kịp thời các vụ việc phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật; hạn chế để xảy ra điểm “nóng” về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Sở Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, các cơ quan chức năng trên địa bàn, Chi cục kiểm lâm các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Chi cục Kiểm lâm vùng I (Cục Kiểm lâm) làm tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Ông Hà Văn Quân, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ðể khắc phục tình trạng khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ trái phép gỗ nghiến dạng thớt, gỗ pơ mu xảy ra tại huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo, Sở tăng cường công tác phối hợp với UBND các huyện nói trên và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ trái phép này. Xử lý nghiêm các “đầu nậu” lợi dụng hồ sơ, giấy tờ gỗ mua đấu giá để hợp thức hóa gỗ khai thác lậu trên địa bàn tỉnh. Tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành quy định xử lý trách nhiệm của chủ rừng để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật nhưng không phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời...

Với những giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả sau kiểm điểm tự phê bình, phê bình năm 2017 của Ðảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tài nguyên rừng được quản lý bảo vệ, tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2018 ước đạt 40%. Cùng với việc tăng cường nắm tình hình phá rừng, cháy rừng tại cơ sở và sẵn sàng lực lượng, thiết bị và phương tiện để tham gia giải quyết kịp thời; Chi cục Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND các cấp cùng chủ rừng tiến hành kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần ngăn chặn có hiệu quả trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 343 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, xử lý 325 vụ. Trong đó, riêng hành vi phá rừng trái pháp luật là 94 vụ (giảm 135 vụ); 209 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến kinh doanh lâm sản trái pháp luật (giảm 37 vụ so với cùng kỳ năm 2017); hành vi khai thác rừng trái phép 8 vụ, hành vi vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng 7 vụ; hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng 19 vụ và 6 vụ vi phạm thủ tục hành chính trong quản lý rừng. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý hành chính là 312/325 vụ; tịch thu 103,32m3 gỗ các loại; động vật rừng 44 cá thể... thu nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top