Ðiện Biên 110 năm

Những dấu mốc lịch sử

15:36 - Thứ Tư, 30/01/2019 Lượt xem: 11542 In bài viết

ĐBP - Lịch sử 110 năm (1909 - 2019) hình thành và phát triển tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Ðiện Biên là chặng đường đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vẻ vang, tự hào của mảnh đất, con người nơi đây. Là tỉnh có vị trí trọng yếu nơi địa đầu biên cương Tổ quốc, từ nhiều thế kỷ nay, Ðiện Biên luôn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng của vùng Tây Bắc. Cộng đồng các dân tộc tỉnh Ðiện Biên luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đấu tranh, giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương, bản mường. Trải qua 110 năm thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2019), sau 70 năm thành lập Ðảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2019) và 15 năm chia tách, thành lập tỉnh (1/1/2004 - 1/1/2019), được sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước; sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân cả nước, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng đoàn kết một lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách đưa Ðiện Biên ngày càng phát triển, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Bước sang năm mới 2019, Báo Ðiện Biên Phủ xin điểm lại những dấu mốc quan trọng trong 110 năm thành lập tỉnh Ðiện Biên (1909 - 2019).

1. Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Ðạo Lai (châu Lai, châu Quỳnh Nhai, phủ Luân Châu), châu Ðiện Biên với phủ Tuần Giáo.

2. Ngày 18/10/1945, Quỳnh Nhai là châu đầu tiên và duy nhất của tỉnh giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

3. Ngày 6/11/1946, bầu Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu khóa I, gồm 2 đại biểu.

4. Tháng 10/1949, thành lập Ban Cán sự Ðảng Lai Châu gồm 3 đồng chí. Tháng 12/1949, thành lập Chi bộ Lai Châu gồm 20 đảng viên, Ban chi ủy có 3 đồng chí.

5. Ngày 26/1/1953, thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu tách khỏi Liên khu Việt Bắc.

6. Tháng 12/1953 nhân giải phóng thị trấn Lai Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu.

7. Ngày 13/3/1954 mở màn chiến dịch Ðiện Biên Phủ; kết thúc chiến dịch ngày 7/5/1954. Lai Châu giải phóng, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang trong thời đại Hồ Chí Minh; làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

 

Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bộ đội ta trên chiếc xe tăng thu được của Pháp diễu hành mừng chiến thắng tại Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Theo nhandan

8. Năm 1962, tỉnh Lai Châu tái lập gồm 7 huyện và thị trấn Lai Châu. Tháng 12/1962, thành lập Ban Chấp hành Ðảng bộ lâm thời tỉnh Lai Châu gồm 13 đồng chí.

9. Tháng 7/1963, kỳ họp thứ nhất Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa I, bầu đồng chí Lâm Sung giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hành chính.

10. Từ 15 - 21/10/1963, Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ nhất.

11. Tháng 4/1966, đón nhận Cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hồ Chủ tịch trao tặng quân và dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.

12. Tháng 10/1971, thành lập TX. Lai Châu.

13. Tháng 12/1979, Quốc hội và Chính phủ tặng Huân chương Ðộc lập hạng Nhì cho quân và dân tỉnh Lai Châu với thành tích trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc.

14. Ngày 7/5/1984, Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất cho Ðảng bộ và quân, dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.

15. Tháng 4/1992, thành lập TX. Ðiện Biên Phủ. Tháng 12/1992, Ban Chấp hành Ðảng bộ và Ủy ban Nhân dân TX. Ðiện Biên Phủ ra mắt và chính thức điều hành hoạt động.

 

Ðồng bào dân tộc Thái vui hội Xên bản. Ảnh: An Biên

16. Năm 1995, các cơ quan của tỉnh di chuyển từ TX. Lai Châu về TX. Ðiện Biên Phủ. Chia tách huyện Ðiện Biên thành 2 huyện: Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông.

17. Năm 2002, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ chống Pháp cho nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Lai Châu.

18. Tháng 9/2003, thành lập TP. Ðiện Biên Phủ gồm 8 đơn vị hành chính trực thuộc các phường: Tân Thanh, Mường Thanh, Nam Thanh, Him Lam, Noong Bua, Thanh Bình, Thanh Trường và xã Thanh Minh.

19. Tháng 11/2003, Quốc hội khóa XI thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH về chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu. Tỉnh Lai Châu chia tách thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Ðiện Biên. Tháng 12/2003, Ban Chấp hành lâm thời Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên thành lập gồm 40 đồng chí; Ban Thường vụ 12 đồng chí.

20. Năm 2009, kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh; 55 năm chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ; 60 năm thành lập Ðảng bộ tỉnh. Ðảng bộ, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

21. Tại Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 từ ngày 26 - 29/10/2010 bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh gồm 49 đồng chí.

22. Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 từ ngày 13 - 15/10/2015. Ðại hội bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh gồm 52 đồng chí. Ðồng chí Trần Văn Sơn được bầu giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy.

 

Thị xã Mường Lay hôm nay. Ảnh: Hải Yến

23. Tháng 10/2016 tại Ðiện Biên, Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Ðây là công trình trọng điểm quốc gia có quy mô, công suất lớn nhất Ðông Nam Á. Ðiện Biên có trên 4.700 hộ thuộc vùng ngập lòng hồ và vùng bị ảnh hưởng khi xây dựng công trình cần bố trí, sắp xếp tái định cư.

24. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2018, Ðiện Biên có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp ủy Ðảng, chính quyền đến từng người dân; tăng cường sự đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong xã hội và khai thác được các nguồn lực đầu tư phát triển tại địa phương.

B.N

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Bình luận
Back To Top