Quyết tâm hoàn thành sớm các mục tiêu

09:52 - Thứ Tư, 13/02/2019 Lượt xem: 11477 In bài viết

ĐBP - Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Điện Biên được cụ thể hóa theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Có thể nói rằng, thời điểm triển khai kế hoạch dù trong bối cảnh có nhiều thuận lợi song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương; sự linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong áp dụng cơ chế chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án phù hợp điều kiện thực tế, cơ bản các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra trong Kế hoạch 5 năm đã được triển khai thực hiện đạt và vượt mức ở hầu hết các lĩnh vực.

Đánh giá một số chỉ tiêu chủ yếu, có 18 chỉ tiêu đạt, 4 chỉ tiêu vượt mục tiêu. Ngoạn mục nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân ước đạt 8,3%/năm, tăng khá cao so với nhịp độ bình quân mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016 - 2018 (6,80%). 4 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra với nhiều điểm nhấn quan trọng trong các lĩnh vực: nông - lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh, thu gom chất thải rắn ở đô thị. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa trên nhiều lĩnh vực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được triển khai, tạo động lực thúc đẩy thi đua sản xuất trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Với tỷ lệ hộ nghèo đều giảm qua mỗi năm cho thấy, kinh tế có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

 

Sau 3 năm đầu thực hiện kế hoạch, lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh có sự bứt phá; vượt mục tiêu đề ra. Trong ảnh: Nông dân huyện Điện Biên đưa máy móc, công nghệ cao vào thu hoạch lúa. 

Với tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 26.000 tỷ đồng thu hút được trong 3 năm qua, Điện Biên đã tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển vào các ngành nghề, các lĩnh vực trọng điểm, then chốt. Để tạo động lực, có sự đột phá mạnh về thu hút đầu tư, những năm qua tỉnh ta đã tập trung tăng cường công tác chỉ đạo cải thiện các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt thực hiện tốt việc công khai minh bạch các thủ tục, quy trình, quy định để mọi doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, người dân có điều kiện tiếp cận chủ trương, định hướng và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tại địa phương. Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; lắng nghe các ý kiến, tâm tư, phản ánh của các doanh nghiệp, phân tích, mổ xẻ và tìm giải pháp tháo gỡ bất cập, vướng mắc. Từ đó, tạo mối tương tác, sự đồng hành chặt chẽ hơn giữa chính quyền với doanh nghiệp.

Rõ ràng sự nỗ lực trong cải cách của chính quyền địa phương những năm qua đã đạt kết quả tích cực, được cộng đồng và doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Điều đó thể hiện rõ nét qua chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của địa phương tăng qua mỗi năm. Nếu năm 2015, Điện Biên đội sổ trong bảng xếp hạng PCI của cả nước, đứng 63/63 tỉnh, thành phố, thì năm 2016 chỉ sau 1 năm thực hiện Kế hoạch 5 năm Điện Biên đã tăng 10 bậc (xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố) và năm 2017 tiếp tục tăng thêm 5 bậc, vươn lên đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố. Phấn khởi hơn nữa là dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song POBI - chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2017 (năm đầu tiên chỉ số POBI được công bố trong phạm vi cả nước) của Điện Biên đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, trong số 25 tỉnh thành công bố công khai tài liệu “Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh năm 2017”, Điện Biên nằm trong nhóm 6 tỉnh đạt điểm tối đa. Những con số ấn tượng này đã thể hiện mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách Nhà nước và thực thi Luật Ngân sách Nhà nước, là động lực để việc quản lý ngân sách tại địa phương hiệu quả hơn.

Đánh giá giữa kỳ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của toàn tỉnh đã chỉ rõ những vấn đề cần có giải pháp đột phá trong năm 2019. Đó là dù tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng chưa thực sự ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng chưa vững chắc. Phần đa các dự án đầu tư mới ở quy mô nhỏ, khả năng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp. Tuy có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nhưng quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp, sản phẩm chủ lực mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh còn ít. Việc khai thác các ngành dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, nhất là dịch vụ du lịch. Tỷ lệ hộ nghèo có giảm song còn ở mức cao, số hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo cao...

2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải tiếp tục có sự đổi mới, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Trong điều kiện đặc thù của nền kinh tế địa phương, sản xuất nông nghiệp vẫn được xác định là lĩnh vực trọng điểm, Điện Biên sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực hiện theo hướng tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: chè, cà phê, lúa gạo chất lượng cao, rau, quả an toàn... trên cơ sở đó gắn với chế biến sâu và liên kết thị trường tiêu thụ. Một vấn đề quan trọng được đặt ra trong năm 2019 và cả giai đoạn sau này là tập trung ưu tiên vào công nghiệp chế biến nông sản; phát triển phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm đặc trưng, là thế mạnh, chủ lực của nền nông nghiệp tỉnh. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy điện, tiến tới hình thành và phát triển các làng nghề, hàng lưu niệm làm quà tặng phục vụ khách du lịch. Tăng cường thu hút đầu tư nhưng có định hướng và chọn lọc những dự án chất lượng; trong đó ưu tiên các lĩnh vực có tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển địa phương. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, như: Hạ tầng kỹ thuật khung; Bổ sung đoạn tuyến từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu tái định cư Noong Bua; Đề án Sắp xếp ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Nhiệm vụ năm 2019 và những năm tiếp theo còn nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Tin rằng dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự chung sức đồng lòng của người dân, kinh tế - xã hội tỉnh ta sẽ tăng tốc, có sự bứt phá hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm.

Bình luận
Back To Top