Cải cách hành chính tạo động lực phát triển

09:44 - Thứ Hai, 18/02/2019 Lượt xem: 9376 In bài viết

ĐBP - Ðẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Năm 2018, tỉnh ta đã đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo và điều hành công tác CCHC; phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 

Cải cách thủ tục hành chính giúp người dân thuận lợi, dễ dàng hơn khi đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Ảnh: Quốc Huy

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, năm 2018 UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực, chủ động trong công tác rà soát thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện để bổ sung, sửa đổi không còn phù hợp, ban hành các văn bản mới; việc triển khai cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tại các cơ quan đơn vị hành chính đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch...

Trong lĩnh vực cải cách thể chế, năm 2018 tỉnh đã xây dựng và ban hành 40 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản được thực hiện kịp thời, có chất lượng. Toàn tỉnh đã thực hiện tự kiểm tra 157 văn bản QPPL; phát hiện 9 văn bản sai phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản; thực hiện rà soát 325 văn bản QPPL, đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới 66 văn bản. Trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các công việc của công dân và tổ chức, nâng cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động quản lý. Năm 2018, UBND tỉnh ban hành 60 quyết định, công bố danh mục 1.185 TTHC. Trong đó, công bố mới 693 TTHC; sửa đổi, bổ sung 244 TTHC; bãi bỏ 248 TTHC. Các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh đến cơ sở đều công khai đầy đủ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC đảm bảo theo quy định. Hiện nay, tổng số TTHC đang có hiệu lực trên địa bàn tỉnh gồm 1.938 thủ tục. Chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông ngày càng được nâng cao với việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ. Nhờ đó, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, doanh nghiệp đã được cải thiện; hoạt động của các cơ quan Nhà nước theo hướng phục vụ ngày càng rõ nét hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư tại tỉnh ngày càng tăng.

Năm qua, tỉnh ta cũng chú trọng công tác cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo tình hình tổ chức bộ máy và dự kiến phương án sắp xếp các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tiến hành rà soát thực trạng tổ chức bộ máy để chuẩn bị cho việc xây dựng Ðề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.

Kết quả, năm 2018 đã có nhiều đơn vị, ngành tiến hành thí điểm, thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ðiển hình, ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp, sáp nhập các trường học trên địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, đến năm 2021 giảm tối thiểu 50 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó dự kiến sáp nhập Trường THCS Nà Tấu với Trường THPT Nà Tấu, xã Nà Tấu; Trường THCS Mường Nhà với Trường THPT Mường Nhà, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên)… Sở Y tế đã xây dựng đề án, theo kế hoạch dự kiến giảm 17 đầu mối (từ 36 đơn vị trực thuộc xuống còn 19 đơn vị); giảm 11 phòng khám đa khoa khu vực thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện quản lý; giảm 15 chức danh lãnh đạo cấp tỉnh. Dự kiến, đến năm 2021 giảm 377 người, tương đương 10,5% tổng biên chế được giao. Tỉnh đã kiện toàn, sắp xếp lại các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thực hiện sắp xếp lại 7 ban quản lý dự án cấp tỉnh xuống còn 4 ban. Sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề cấp huyện để thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND các huyện, thị xã (giảm 7 đầu mối đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện; giảm từ 16 giám đốc, phó giám đốc phụ trách xuống còn 9 giám đốc, phó giám đốc phụ trách; giảm 9 phó giám đốc, 2 kế toán). Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất 7 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế.

Ông Lê Ðình Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Năm 2018, công tác CCHC tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể CCHC tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện Dự án “Dân chấm điểm”; đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và tổ chức; duy trì, củng cố thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế một cửa liên thông tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top