Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

08:49 - Thứ Năm, 21/02/2019 Lượt xem: 9433 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách Nhà nước; các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy cao nhất hiệu quả các nguồn lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng công trình từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thời gian qua được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị quản lý, phê duyệt, triển khai dự án thực hiện đúng quy trình, quy chế quản lý đầu tư theo các quy định hiện hành; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm không để gây ra lãng phí, tổn thất nguồn lực Nhà nước trong quá trình thực hiện. Vì vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các dự án đầu tư được thực hiện ngay từ khâu lập, thẩm định về phê duyệt chủ trương đầu tư; lựa chọn, đề xuất và phê duyệt các danh mục dự án lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự kiến khởi công mới giai đoạn 2016 - 2020 thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đến khâu giám sát đầu tư xây dựng, đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng, quản lý nguồn vốn đầu tư; cắt giảm, giãn hoãn tiến độ các dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết hoặc chưa cân đối bố trí vốn trong giai đoạn thực hiện dự án.

Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; thực hiện nghiêm túc các quy định về thẩm quyền phê duyệt danh mục đầu tư; đề xuất các chuẩn mực đánh giá hiệu quả sử dụng, quản lý vốn đầu tư tránh kéo dài thời gian thực hiện dự án dẫn đến việc phải điều chỉnh, bổ sung tăng tổng mức đầu tư theo chế độ, chính sách quy định của Nhà nước. Chấp hành quy trình cấp phát, thanh toán vốn đầu tư đảm bảo kiểm soát chặt chẽ ngay từ giai đoạn tạm ứng, thanh toán vốn theo chế độ, đẩy nhanh công tác quyết toán vốn công trình dự án hoàn thành nhằm đánh giá tính tuân thủ và hiệu quả trong quá trình xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư; phát hiện và xử lý các sai phạm của các bên tham gia dự án theo quy định, kịp thời thu hồi vốn cho Nhà nước… Thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng; nhất là thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn năm 2018 đã tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước hơn 6,8 tỷ đồng; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 2,2 tỷ đồng. Các ngành chuyên môn thực hiện thẩm định dự án đầu tư đảm bảo chất lượng, thời gian theo quy định, thực hiện cắt giảm chi phí đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình không cần thiết và một số giải pháp thiết kế chưa hợp lý giúp tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng công trình cho ngân sách Nhà nước. Qua công tác thẩm định dự án đầu tư trên địa bàn trong năm 2018 đã tiết kiệm ngân sách Nhà nước hơn 16,2 tỷ đồng (trong đó, thẩm định các dự án công trình giao thông tiết kiệm chi ngân sách trên 13,1 tỷ đồng; thẩm định các dự án công trình dân dụng công nghiệp tiết kiệm chi ngân sách gần 3 tỷ đồng và tiết kiệm chi ngân sách 105 triệu đồng qua thẩm định các dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Mường Ảng đã được huyện chủ động thực hiện đảm bảo để công tác xây dựng, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư tuân thủ theo quy định của Luật Ðầu tư công, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2020. Ông Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng khẳng định. Công tác quản lý, bố trí vốn đầu tư được triển khai kịp thời, đảm bảo theo nguyên tắc tập trung thanh toán nợ xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành các năm trước và hoàn thành trong năm kế hoạch để đưa vào khai thác sử dụng, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản và đầu tư dàn trải. Công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành của các dự án được đảm bảo, hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Năm 2018, tổng giá trị quyết toán các dự án hoàn thành được duyệt gần 66,9 tỷ đồng (giảm 163 triệu đồng so với tổng giá trị được đề nghị quyết toán).

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả các dự án từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh tiếp tục rà soát các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Trung ương mới ban hành để cập nhật, điều chỉnh và ban hành mới các tiêu chuẩn, định mức trên địa bàn để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu thanh toán và giải ngân các chương trình, dự án theo tiến độ, kế hoạch giao. Chủ động rà soát tiến độ, kế hoạch vốn đã giao của các chương trình, dự án hoàn thành, tiếp chi sử dụng vốn nhà nước, trên cơ sở đó thực hiện thu hồi, dừng triển khai đối với các dự án không đảm bảo tiến độ, hiệu quả để điều hòa, phân bổ kế hoạch vốn cho các công trình, dự án đảm bảo tiến độ. Trong đó ưu tiên các công trình đã có khối lượng hoàn thành, các dự án tiếp chi để hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình giải ngân, thực hiện điều hòa vốn giữa các dự án, công trình phù hợp với tiến độ và khả năng hoàn thành. Ðối với các trường hợp đã bố trí, phân bổ vốn đầu tư nhưng chưa thực sự cần thiết hoặc sử dụng chưa đúng quy định thì có biện pháp điều chỉnh, thu hồi, đồng thời có kế hoạch bố trí, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả đầu tư.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top