Cùng suy ngẫm

“Phép vua” vẫn thua “lệ làng”?

09:07 - Thứ Hai, 22/04/2019 Lượt xem: 11261 In bài viết

ĐBP - Không ít lần các cơ quan báo chí lên tiếng về việc chấn chỉnh kỷ cương làm việc của cán bộ, công chức cấp xã ở các địa phương. Ðặc biệt là quy định về việc không uống rượu, bia và các đồ uống có cồn trong giờ hành chính, buổi sáng, buổi trưa các ngày làm việc. Thế nhưng, khi về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, chúng tôi vẫn gặp cán bộ, công chức xã sử dụng thứ nước “cay cay” ấy trong ngày làm việc bình thường. Phải chăng “phép vua” rành rành ra đó vẫn thua “lệ làng” cố hữu bấy lâu nay?

Bàn về chủ đề này khiến chúng tôi nhớ lại những chuyến công tác về các xã vùng khó khăn. Ðể đến được các địa phương ấy là những lần đánh vật với đèo dốc, đường mòn quanh núi… Nhưng đến nơi thì đội ngũ cán bộ, công chức xã lại đang bận… uống rượu hoặc tiếp chúng tôi trong tình trạng không tỉnh táo. Nhất là lần về thăm xã A., cách trung tâm huyện B. gần 50km, chúng tôi gặp đúng bữa tổng kết của một đoàn thể trong xã. Dù trong ngày làm việc, nhà bếp trụ sở UBND xã A. vẫn huyên náo tiếng cười nói, chúc tụng nhau cho đến sát giờ làm việc buổi chiều. Thế nên, tiếp chúng tôi không phải những công chức mẫn cán như trong báo cáo cuối năm thường kể mà là những “đệ tử lưu linh” thở rặt hơi cồn, không còn tỉnh táo… Sau đó, chuyện gì xảy ra thì ai cũng có thể đoán được: Chuyến đi của chúng tôi bỗng dưng trở thành vô nghĩa với một nỗi buồn khó tả chất nặng hành trang lúc quay về… Hay mới đây là lần tới xã Z., huyện Y. vào đầu giờ làm việc buổi chiều nhưng lãnh đạo xã có việc chưa kịp quay lại trụ sở. Tiếp chúng tôi là một cán bộ trong trang phục dân quân, khá nhiệt tình kể chuyện về địa phương. Nhìn khuôn mặt đỏ lựng của anh cán bộ, chúng tôi đã… nghi nghi nhưng vì phép lịch sự vẫn vui vẻ chuyện trò. Ðang dở câu chuyện, bỗng nhiên anh cán bộ lấy điện thoại thông minh quay video mấy anh em trong đoàn công tác. Chúng tôi không hiểu anh ta quay phim với mục đích gì nên đề nghị anh lập tức dừng lại. Nhưng không, anh cán bộ vẫn tiếp tục quay phim, thậm chí với một thái độ không đúng mực. Cực chẳng đã, một đồng nghiệp nam đứng dậy yêu cầu anh dừng lại nếu không sẽ báo cáo lên cấp trên về hành vi này. Thấy vậy, anh cán bộ kia mới tắt điện thoại, xin lỗi và giải thích do mình… say rượu quá nên không làm chủ được hành vi.

Những câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” chúng tôi gặp phải ở cơ sở liên quan tới rượu, bia. Ðem câu chuyện này trao đổi lại với cấp huyện của các địa phương đó, chúng tôi nhận được những cái lắc đầu đầy ngao ngán bởi chính họ cũng đang đau đầu về vấn đề này. Một đồng chí cán bộ cấp huyện từng tâm sự với chúng tôi rằng, ở dưới xã có sự kiện mà vào bữa thiếu tý “cay cay” thì coi như công tác tổ chức chưa trọn vẹn. Bởi văn hóa rượu đã ngấm vào máu, biến việc phải nâng ly, phải chúc tụng… trở thành một tập tục khó bỏ. Nhiều khi cũng chẳng biết phải làm thế nào bởi bao che thì cũng không được mà cấm hẳn thì cũng chẳng đành… Biết cái “lệ” ấy xấu đấy, chưa đúng với quy định của cấp trên đấy nhưng để thay đổi được nó không phải trong một sớm một chiều…

Tiếu Sinh
Bình luận
Back To Top