Phát huy giá trị di tích trong giáo dục truyền thống

08:49 - Thứ Tư, 24/04/2019 Lượt xem: 10664 In bài viết

ĐBP - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, hầu như thời đại nào dân tộc ta cũng phải đứng lên chống giặc ngoại xâm giữ gìn, bảo vệ non sông đất nước, đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trong đó, chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954 là một trong những mốc son chói lọi nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Ðiện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Nơi đây đã trở thành tượng đài của sự kế thừa, phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta; là nơi khắc ghi công lao to lớn của các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hi sinh làm nên Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ được khẳng định là nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật quân sự truyền thống và là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam “Lấy yếu thắng mạnh, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”, những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay và mai sau.

Từ năm 1959, việc gìn giữ, phát huy giá trị của các di tích trên cả nước đã được Ðảng và Nhà nước quan tâm. Cũng từ đây, quá trình trùng tu, tôn tạo khu di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ được tiến hành để xứng tầm với quy mô và tầm vóc chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Ngày 28/4/1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 313-VH/VP về việc xếp hạng di tích, danh thắng toàn miền Bắc (đợt 1), khu di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Ðến năm 2009 theo Quyết định số 1272/QÐ-TTg, ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, khu di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ là 1 trong 10 di tích của cả nước được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ.

Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2367/QÐ-TTg bổ sung thêm 23 điểm di tích vào Hồ sơ Di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1272/QÐ-TTg, ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ðến năm 2019, toàn bộ Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần đã xác định được khu vực bảo vệ I, 30/45 điểm di tích có khu vực bảo vệ II, 28/45 di tích được cắm mốc trên thực địa, còn 17 di tích chưa được cắm mốc bảo vệ.

Ðể những giá trị lịch sử được bảo tồn, phát huy, di tích lịch sử thực sự trở thành một phần thiêng liêng khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, những năm qua, nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đã được đẩy mạnh.

Ngành Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các trường tạo điều kiện đưa học sinh đến tham quan, dã ngoại, học tập tại các điểm di tích trong quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Hoạt động tham quan các di tích lịch sử trong khu vực thành phố, thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ (A1, Him Lam, Ðộc Lập) đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ.

Hàng năm, lực lượng quân đội tại địa phương đã tổ chức cho các chiến sĩ mới nhập ngũ tham quan, học tập trực quan tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ và một số điểm di tích; nghe thuyết minh giới thiệu về chiến dịch Ðiện Biên Phủ, về các chiến thuật quân sự được sử dụng trong chiến dịch, giúp cho chiến sĩ mới hiểu sâu về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.

Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên đề về giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống; tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo vệ di tích như dọn dẹp cảnh quan, môi trường xung quanh các điểm di tích, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, văn minh cho các điểm di tích.

Các cuộc thi tìm hiểu về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, về các di tích lịch sử tại Chiến trường Ðiện Biên Phủ được tổ chức linh hoạt, rộng rãi đến các đơn vị, trường học, khu dân cư trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức hấp dẫn và phù hợp với đối tượng tham gia như thi viết, hùng biện, truyền hình, internet, sân khấu hóa... nhằm mục đích để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, học sinh và nhân dân trong tỉnh hiểu hơn về quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ.

Một số cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn di tích Ðồi A1, Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ tại đồi D1 là địa điểm tổ chức các buổi lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên mới; nhằm tiếp thêm nhiệt huyết, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh. Tổ chức các buổi giao lưu với các nhân chứng lịch sử là các cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Giúp thế hệ trẻ được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với “người thực, việc thực”, nghe kể về những chiến công, về cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, để hiểu thêm và trân trọng hơn công lao, đóng góp của thế hệ cha anh đi trước cho độc lập, tự do của đất nước, quê hương.

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã để lại cho mảnh đất Ðiện Biên một di sản vô cùng quý giá đó là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Quần thể di tích đó gắn với những chiến công hiển hách của thế hệ cha anh đi trước. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ giúp thế hệ trẻ ngày nay có nhận thức đúng đắn về lịch sử, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích này sẽ góp phần nhân lên lòng yêu nước, tự hào dân tộc của thế hệ trẻ nói riêng và nhân dân Ðiện Biên nói chung, góp phần xây dựng mảnh đất Ðiện Biên anh hùng ngày càng giàu đẹp.

Ðồng chí Nguyễn Ðức Vượng

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Bình luận
Back To Top