“Chiến thắng Ðiện Biên Phủ với xây dựng và phát triển tỉnh Ðiện Biên trong 65 năm qua”

08:51 - Thứ Tư, 24/04/2019 Lượt xem: 10457 In bài viết

Ðồng chí Mùa A Sơn

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

ĐBP - Thời gian đã lùi xa, nhưng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ mãi mãi là mốc son chói lọi, để lại những bài học quý, sống động, tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Ðó là bài học về tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, đè bẹp cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của kẻ xâm lược; về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta; về phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường và sáng tạo trong tìm tòi, xác định đường lối cách mạng Việt Nam, đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam; về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bài học đó không những có giá trị trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà còn được bạn bè thế giới đánh giá cao, coi đó là hình mẫu để học tập, làm theo.

 

Ðồi A1 - một điểm đến trong quần thể di tích quốc gia Chiến trường Ðiện Biên Phủ thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ảnh: Ðức Thành

Kế thừa và phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ những năm qua, tỉnh Ðiện Biên đã cụ thể hóa chủ trương, kế hoạch của Trung ương vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh; cùng với đó, quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ đã được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị trong 65 năm qua để phục vụ phát triển du lịch, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ðể tiếp tục phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên đã lập “Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Ðiện Biên Phủ” với mục tiêu chính là “ghi nhận, vĩnh cửu hóa các di tích liên quan đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã được công nhận và xếp hạng” tới thời điểm hiện tại, Ðề án đã được Ban Bí thư Trung ương Ðảng thông qua và tỉnh đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tỉnh Ðiện Biên đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định số 1465/QÐ-TTg ngày 24/8/2015, đây là tiền đề quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Ðiện Biên trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, Ðiện Biên từ một tỉnh miền núi kinh tế kém phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp năng suất, hiệu quả thấp; trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ mù chữ cao; nhiều hủ tục trong đời sống và trong tập quán lao động, sản xuất, nhất là ở vùng cao tồn tại lâu đời; đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tại một số địa bàn tình trạng du canh du cư vẫn còn diễn ra. Song với tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó nổi bật là:

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2018 đạt 7,15%, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 8,30%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội XIII Ðảng bộ tỉnh đề ra; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 27,31 triệu đồng/người/năm, tăng 12,14% so với thực hiện năm 2017; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.144,5 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 10.237,7 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư. Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bước đầu có kết quả. Sản xuất nông nghiệp với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung năng suất, chất lượng cao...

Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển nhanh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Công tác an sinh xã hội và giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là các chính sách xã hội. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 3,69%/năm (từ 48,14% cuối năm 2015 xuống 37,08% năm 2018). Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ đối ngoại mở rộng. Xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.

Ðánh giá sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Ðiện Biên đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết đề ra. Ðến nay, đã có 17/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết. Các chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh so với các tỉnh trong vùng đều đạt ở mức khá. Những thành tựu Ðảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã đạt được trong 65 năm qua là rất to lớn, toàn diện và đáng tự hào; trong đó, sự kiện Chiến thắng Ðiện Biên Phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Ðiện Biên. Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ đã trở thành thế mạnh về phát triển du lịch, được Ðảng bộ, chính quyền tỉnh Ðiện Biên xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.  Nhận thức rõ về tiềm năng và lợi thế của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ gắn với mảnh đất Ðiện Biên Phủ và di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ để khai thác phát huy thế mạnh của tỉnh, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ/TU, ngày 18/10/2002 về Chương trình Phát triển du lịch đến năm 2010, đây là mốc quan trọng có ý nghĩa xuyên suốt cho du lịch Ðiện Biên.

Từ năm 2012 đến nay, là giai đoạn tổ chức triển khai các quy hoạch, nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về phát triển du lịch như Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/2006 về phát triển du lịch Ðiện Biên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030... Những kết quả được đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập và việc làm đã khẳng định vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế. Lượng khách đến tham quan tại các điểm di tích của quần thể di tích cấp quốc gia chiến trường Ðiện Biên Phủ luôn tăng theo từng năm. Năm 2018, Ðiện Biên đã đón hơn 705.000 lượt khách du lịch, tăng 17,5% so với năm 2017. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.155 tỷ đồng, tăng hơn 21,6% so với năm trước. Giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động trực tiếp và gián tiếp.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, do hạn chế về các điều kiện phát triển nên Ðiện Biên còn là tỉnh đặc biệt khó khăn: Hạ tầng kinh tế xã hội còn thấp kém, nhất là giao thông đường bộ và đường hàng không; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tăng trưởng kinh tế chưa cao, chưa bền vững; thương mại, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; quy mô ngành công nghiệp nhỏ, mức đóng góp vào kết quả tăng trưởng còn thấp...

Trong cụm Di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ một số đang mai một do nằm trải rộng khắp từ TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên và huyện Tuần Giáo đặt ra nhiều thách thức cho các ban, ngành chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ và gìn giữ. Hiện vật trưng bày tại khu di tích với nhiều chất liệu thô sơ, có nhiều hiện vật bằng gỗ, giấy, vải... không được bảo quản theo chế độ tiêu chuẩn, lại phải đối mặt với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên bị huỷ hoại và xuống cấp nhanh chóng.

Ðể phát huy giá trị của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ với xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Một là, Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và vai trò của Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ trong phát triển kinh tế - xã hội của đát nước và của tỉnh.

Hai là, Tiếp tục hoàn thiện các tài liệu mẫu từ Trung ương đến địa phương để làm tài liệu tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác ngiên cứu lịch sử, giảng dạy...

Ba là, Tập trung nghiên cứu toàn diện, có chương trình hành động để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Trong đó, ưu tiên sử dụng nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư; triển khai thi công mới, sửa chữa các kết cấu hạ tầng quan trọng của di tích để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phát triển du lịch quốc gia và tỉnh Ðiện Biên.

Bốn là, Phối hợp chặt chẽ và gắn kết các chủ trương phát triển du lịch của Trung ương và dịch vụ du lịch ở địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới; xây dựng tuyến, tour du lịch nối liền di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ với lối mở A Pa Chải, các cửa khẩu quốc tế với nước bạn Lào, Khu du lịch Quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang.

Năm là, Tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội nhất là giao thông đường bộ, đường hàng không - Sân bay Ðiện Biên Phủ để đảm bảo cho các loại máy bay hạ, cất cánh được để kết nối với quốc tế và các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước.

Sáu là, Sớm triển khai Ðề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030” và một số dự án.

Ðể phát huy giá trị của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ với xây dựng và phát triển của tỉnh Ðiện Biên trong 65 năm qua, Ðiện Biên đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung sau:

(1). Ðưa các đề án và dự án nêu trên vào danh mục các dự án ưu tiên đặc biệt cần tập trung đầu tư xây dựng; ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong kế hoạch năm 2020 và Kế hoạch trung hạn giai đoạn tiếp theo để thực hiện.

(2). Ðề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tỉnh về kỹ thuật chuyên môn và kinh phí trong quá trình triển khai lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ.

(3). Ðề nghị Bộ Quốc phòng: Tạo điều kiện cung cấp cho tỉnh Ðiện Biên các tư liệu, tài liệu có liên quan đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Giới thiệu các nhân chứng lịch sử tham gia quá trình khảo sát, tìm kiếm, xác định các chứng tích lịch sử của Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Chỉ đạo các bảo tàng trực thuộc, các quân binh chủng, tiếp tục trao đổi, chuyển giao các tư liệu, tài liệu, hiện vật có liên quan trực tiếp đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ cho tỉnh Ðiện Biên, nhằm bổ sung lượng tư liệu, hiện vật, để có đủ điều kiện nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Bình luận
Back To Top