Nhà báo ưu tú Võ Nguyên Giáp

10:24 - Thứ Sáu, 21/06/2019 Lượt xem: 10485 In bài viết
ĐBP - Ở Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, có một mối quan hệ đặc biệt giữa nghề văn và nghề võ, giữa nghệ thuật báo chí và nghệ thuật quân sự, giữa “nghệ thuật tổ chức thông tin” trong làm báo với “nghệ thuật bày binh bố trận” trong đánh giặc...

Xưa nay mọi người vẫn biết Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng lỗi lạc, là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy quân và dân ta trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, giành thắng lợi hoàn toàn. Nhưng ít ai biết vị Ðại tướng lừng danh ấy còn là một nhà báo ưu tú, một trong những nhà báo đầu tiên được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí” của Hội Nhà báo Việt Nam. Ông đã để lại cho báo chí nước nhà một số lượng sách báo đồ sộ cho hôm nay và thế hệ mai sau.

 

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nhân dân địa phương và anh chị em công nhân đội vận tải thuyền sông Gianh (Quảng Bình) năm 1968. Ảnh tư liệu

Tham gia cách mạng từ rất sớm, thuở còn là học sinh Trường Quốc học Huế, ông đã hăng hái tham gia phong trào đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu và lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Cứ chiều thứ Năm, ông cùng các bạn học sinh Trường Quốc học Huế, Trường Ðồng Khánh kéo nhau lên Bến Ngự nghe cụ Phan Bội Châu nói chuyện và thường bí mật tìm đọc sách báo yêu nước, sách báo cách mạng. Cụ Phan từng bảo: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp”.

Năm thứ hai tại trường Quốc học (1927), chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên của chặng đời làm báo của mình, đó là một bài báo ngắn bằng tiếng Pháp với tựa đề “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Ðả đảo tên tiểu độc tài trường Quốc học!), gửi đăng ở tờ L’Annam. Bài báo tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của chính phủ bảo hộ. Sau đó, Võ Nguyên Giáp bị đuổi học sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê nhưng được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu vào làm việc ở Huế, tại Nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Ðào Duy Anh sáng lập. Năm 1929, ông làm biên tập cho tờ báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí sau này.

Thời kỳ làm biên tập viên cho tờ Tiếng dân, ông thử sức trên đủ các thể loại: tin tức, bình luận kinh tế, bình luận chính trị..., chuyên trách mục Thế giới Thời đàm với bút danh Vân Ðình và một số bút danh khác. Mặc dù tuổi còn trẻ và mới bắt đầu làm báo nhưng ông đã có nhiều bài viết khá sắc sảo với khoảng 27 bài đăng trên 36 số báo Tiếng dân. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Báo chí là một vũ khí có sức mạnh cực kỳ to lớn để truyền đạt ý tưởng yêu nước đến với mỗi người dân”. Ðó cũng là một trong những lý do Ðại tướng say mê với việc làm báo.

Thời đó tờ Hồn trẻ của hướng đạo sinh, vì thua lỗ phải tạm ngừng xuất bản, chủ nhiệm báo sẵn sàng nhượng lại bản quyền. Võ Nguyên Giáp bàn với Ðặng Thai Mai và các giáo sư Trường Thăng Long góp tiền để làm cho tờ báo sống lại với một nội dung hoàn toàn mới. Ngày 6/6/1936, bộ mới báo Hồn Trẻ ra số đầu tiên. Có thể nói đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam... Báo rất được bạn đọc hoan nghênh, in ra không đủ bán. Tuy nhiên, Báo ra đến số thứ 5 thì bị nhà cầm quyền Pháp bắt đóng cửa. Ngay sau đó, tờ báo tiếng Pháp Le Travaill (Lao động) do Võ Nguyên Giáp làm chủ bút ra mắt bạn đọc số đầu tiên vào ngày 16/9/1936. Trong tòa soạn, Võ Nguyên Giáp vừa là chủ bút, vừa là biên tập viên chính, làm việc rất hăng hái, viết khá nhiều đề tài như: cổ vũ Ðông Dương đại hội, Mặt trận Dân chủ, thời sự quốc tế, đời sống nông dân với các cuộc đấu tranh ruộng đất như Cồn Thoi, những cuộc đấu tranh bãi công của thợ xẻ, thợ giày, thợ mỏ.

Năm 1939, chiến tranh thế giới sắp bùng nổ, nhiều cán bộ đảng bị lộ phải rút vào hoạt động bí mật, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Ðồng được tổ chức bí mật đưa sang Tĩnh Tây, Côn Minh (Trung Quốc) gặp nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và sau đó cùng Bác trở về Cao - Bắc - Lạng hoạt động, vận động quần chúng, chuẩn bị điều kiện để khởi nghĩa vũ trang. Ở Cao Bằng, mặc dù cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng Bác Hồ đã cùng các đồng chí nhanh chóng xuất bản tờ Việt Nam Ðộc Lập, Võ Nguyên Giáp tích cực viết bài cho tờ báo. Tờ Việt Nam Ðộc Lập in trên đá bằng giấy bản đó có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào cách mạng trong những năm tiền khởi nghĩa. Sau tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã góp sức cùng nhiều đồng chí nhanh chóng xuất bản tờ Sự Thật - tiền thân của báo Nhân dân, tờ Vệ Quốc Quân - tiền thân báo Quân đội Nhân dân và nhiều tờ báo khác.

Trong bài báo “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám” đăng trên tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8/1991, Ðai tướng đã từng tâm sự: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này, khi chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Ðó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì… Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã mãi mãi đi xa nhưng sự nghiệp, công lao, đạo đức của ông sống mãi với non sông Việt Nam. Ông là một trong những danh tướng vĩ đại nhất của nhân loại. Và, ông còn là nhà báo không thể bị lãng quên trong làng báo chí Việt Nam.

T.K (b/s)
Bình luận
Back To Top