Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg

11:59 - Thứ Năm, 27/06/2019 Lượt xem: 11424 In bài viết

ĐBP - Ngày 27/6, tại TP. Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Chỉ thị số 10/CT-TTg đã chỉ ra thực tế trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp hiện vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc… gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chỉ ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng trên, như: Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chưa thực hiện đúng và đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền chưa được thường xuyên, chặt chẽ; chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý đời sống xã hội chưa đồng bộ, còn chồng chéo, vướng mắc, có nhiều kẽ hở…

Chỉ thị cũng đề ra các giải pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, như: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN), phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN.

Tham luận tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã nêu ra một số kết quả nổi bật và giải pháp trong quá trình thực hiện chỉ thị. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định chi tiết của Luật PCTN; cần có sự thống nhất trong các văn bản hướng dẫn; bổ sung loại hình doanh nghiệp mới là các hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp; đề nghị các bộ ngành, địa phương cần phối hợp để thực hiện tốt hơn công tác PCTN; xây dựng bộ quy tắc, chỉ số, công cụ về PCTN trong các doanh nghiệp…

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã nêu ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN thời gian qua. Đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong thời gian tới, như: Các cấp, ngành Trung ương, địa phương cần chú trọng gắn thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg với cải thiện môi trường kinh doanh; tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong PCTN nhưng cũng cần phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm để quyết tâm PCTN, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg; đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào giải quyết công việc…

Tin, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top