Một số tham luận tại Ðại hội Ðại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Ðiện Biên, lần thứ XII, nhiệm kỳ 2019 - 2024

09:42 - Thứ Hai, 01/07/2019 Lượt xem: 18186 In bài viết

ĐBP - Ðại hội Ðại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Ðiện Biên, lần thứ XII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh trong 2 ngày (từ 30/6 - 1/7). Về dự Ðại hội với chủ đề “Phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc, truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; góp phần xây dựng tỉnh Ðiện Biên ngày càng giàu mạnh”, trên 250 đại biểu đều có tâm tư, kỳ vọng của bản thân và cộng đồng vào nhiệm kỳ mới, với mong muốn củng cố, phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Báo Ðiện Biên Phủ xin trân trọng lược trích một số tham luận.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chà Nưa thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Ðể tổ chức tuyên truyền, thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ngay từ những tháng đầu năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã thường xuyên phối hợp với chính quyền, các tổ chức, đoàn thể triển khai cuộc vận động từng đợt như: Xây dựng kế hoạch, lịch và triển khai kế hoạch; mỗi năm lựa chọn 1 ban công tác mặt trận khu dân cư để triển khai điểm; sau mỗi lần triển khai điểm, MTTQ xã xây dựng nghị quyết phối hợp, giao nhiệm vụ cho các tổ chức thành viên từ xã đến khu dân cư. Sau đó nhân rộng ra 8 khu dân cư còn lại để tuyên truyền đến ban công tác mặt trận và nhân dân. Cùng với đó, MTTQ xã phối hợp tuyên truyền 5 nội dung của Cuộc vận động; thường xuyên phối hợp rà soát các tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lựa chọn tiêu chí dễ thực hiện trước, không cần nhiều kinh phí đầu tư, tiêu chí có thể huy động nguồn lực, sự đóng góp của người dân để tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Ðến đầu năm 2017, MTTQ đã phối hợp với Ban Công tác mặt trận bản Nà Ín II rà soát, xây dựng điểm mô hình “Khu Dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Qua tuyên truyền và triển khai cuộc vận động MTTQ và thực tế triển khai tổ chức thực hiện mô hình đã đạt được một số kết quả như sau: Xây dựng 3 mô hình, 9 tuyến đường ban công tác mặt trận tự quản trên địa bàn xã; vận động 218 hộ hiến đất, đóng góp làm đường, nhà văn hóa; 573 hộ làm chuồng trại gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn; 532 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh; tuyến đường tự quản của các khu dân cư là 5,9km. Ðến nay có 7 khu dân cư đã đăng ký thực hiện 3 mô hình: Tổ an ninh tự quản, Tổ tự quản vệ sinh môi trường, mô hình “5 không”.

MTTQ xã thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mô hình ở khu dân cư. Hướng dẫn chỉ đạo Ban Công tác mặt trận khu dân cư kiểm tra, giám sát việc duy trì thực hiện của các hộ gia đình và công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức thành viên. Sau hơn một năm (từ đầu năm 2017 đến tháng 5/2018) triển khai thực hiện, mô hình đã được MTTQ Việt Nam cấp trên đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng ra 9/9 khu dân cư. Ðến nay xã đạt được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Qua tuyên truyền, triển khai thực hiện Cuộc vận động có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ với chính quyền và các tổ chức thành viên và giữa các thành viên Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; sự chủ động của Ban Công tác mặt trận trong thực hiện nhiệm vụ. Phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, với cách làm mới, học tập và  nhân rộng những kinh nghiệm hay, điển hình mới, đưa công tác mặt trận đến với người dân, từng gia đình bám sát cuộc sống của nhân dân; triển khai tới khu dân cư xây dựng, thực hiện các mô hình do MTTQ huyện phát động và hoạt động có hiệu quả như mô hình “5 không”; “Tổ an ninh tự quản”; “Tổ tự quản vệ sinh môi trường”; “Khu Dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Ðức Duy (b/s)

Phối hợp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngay sau khi có chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp trong công tác tham mưu triển khai, tuyên truyền, vận động tới các cấp các ngành các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Công Thương về các chỉ thị, thông báo, thông tri, hướng dẫn, quyết định... của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam và của tỉnh về Cuộc vận động.

Qua công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần đẩy mạnh phong trào hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tập thể cán bộ, công nhân viên, lao động và nhân dân trong tỉnh, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hưởng ứng chương trình hành động của tỉnh, của Bộ Công Thương, chương trình xúc tiến thương mại hàng năm như: Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng các đề án xúc tiến thương mại hỗ trợ trực tiếp từ quỹ xúc tiến thương mại; hỗ trợ kinh phí cho 15 doanh nghiệp xây dựng web ứng dụng và phát triển thương mại điện tử vào hoạt động của doanh nghiệp. Xây dựng 2 điểm bán hàng Việt Nam tại Siêu thị Hoa Ba thuộc Doanh nghiệp thương mại tư nhân Hoa Ba và hộ kinh doanh Nguyễn Thị Loan bằng nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện Ðề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong giai đoạn 2010 - 2018, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã chủ trì tổ chức 40 chương trình đưa hàng Việt về chợ phiên vùng cao tại các huyện: Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo với 322 lượt doanh nghiệp, 673 gian hàng tham gia, thu hút khoảng 69.900 lượt khách thăm quan, mua sắm, tổng doanh thu đạt trên 25,6 tỷ đồng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện; hàng Việt dần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân mua sắm và hưởng các dịch vụ chăm sóc khách hàng có chất lượng, giá cả hợp lý. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của quốc gia và địa phương, Sở Công Thương tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hóa tại các tỉnh trong và ngoài nước như tỉnh Luông Pra Băng, Phoong Sa Ly, U Ðôm Xay của Lào; các tỉnh: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lai Châu và TP. Hà Nội, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mở rộng giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa với các vùng miền khác nhau trên cả nước.

Ðể kết quả phối hợp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đó là: Ðẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả về công tác dự báo tình hình cung cầu hàng hóa trên thị trường, phát triển sản phẩm theo sát nhu cầu của người dân: thân thuộc, gần gũi, dễ tiếp cận ở mọi lúc, mọi nơi, thích hợp cho mọi hoàn cảnh; đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội chợ và các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu cải tiến chất lượng hàng hóa, đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và giá thành hợp lý; tổ chức tốt mạng lưới phân phối.

Phương Dung (b/s)

Gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Là tổ chức thành viên trong khối Ðại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua Hội LHPN tỉnh và các cấp hội trong toàn tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đoàn kết, tập hợp, động viên các tầng lớp phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh ra sức thi đua, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước cho Trung ương và tỉnh phát động, đặc biệt là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” . Qua đó đã tập hợp, phát huy sức mạnh của phụ nữ, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Ðể triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực hưởng ứng thực hiện cuộc vận động bằng những hoạt động thiết thực. Thông qua sinh hoạt Hội và lồng ghép các chương trình hoạt động, các cấp Hội phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể tổ chức thực hiện tốt 8 tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với 11/19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến hội viên, phụ nữ để chị em hiểu rõ, hiểu đúng và tự giác thực hiện. Ðây là cuộc vận động hướng vào từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ và nhân dân nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Với sự vào cuộc của các cấp Hội phụ nữ đã góp phần giúp 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian qua.

Ðể Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” ngày càng hoạt động có hiệu quả, thiết thực chung sức cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội thực hiện rà soát và phân nhóm các các hộ gia đình theo các tiêu chí của cuộc vận động để có phương án tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các gia đình hoàn thành các mục tiêu đề ra. Vận động hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện việc duy trì công tác vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khu phố và chỉ đạo mỗi cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện ít nhất 1 công trình/phần việc thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới, do đó trong 3 năm (2017 - 2019) đã có 1.160 phần việc được đăng ký thực hiện hiệu quả như: Ðóng góp ngày công, hiến đất, đóng góp nguyên vật liệu, tiền mặt, vệ sinh môi trường, xây dựng các mô hình điểm...            

Các cấp Hội còn tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động. Ðặc biệt là vận động đông đảo lực lượng phụ nữ tham gia ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân vào dịp 18/11 hàng năm, các cơ sở hội vận động chị em tham gia tích cực vào công tác tổ chức ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc tại 1.813 khu dân cư, tham gia cả phần lễ cũng như phần hội, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết trong toàn dân.

Ðể tiếp tục thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển, nhất là phát huy vai trò là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong thời gian tới các cấp Hội LHPN trong tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác Hội, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động, phát huy năng lực sáng tạo trong tổ chức thực hiện để đưa Nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho hội viên và năng lực cho cán bộ hội, quan tâm giúp đỡ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế; tập trung giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em; vệ sinh an toàn thực phẩm… Phát huy phẩm chất tốt đẹp, khơi dậy nhiệt tình, trách nhiệm của phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phạm Dương (b/s)

Bình luận
Back To Top