Kỳ vọng tinh thần trách nhiệm của đại biểu dân cử

09:02 - Thứ Hai, 08/07/2019 Lượt xem: 11439 In bài viết

ĐBP - Kỳ họp thứ 10, HÐND tỉnh khóa XIV dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8 - 10/7). Ðể chuẩn bị cho kỳ họp, đại biểu HÐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã có nhiều cuộc tiếp xúc với cử tri trên địa bàn tỉnh. Cử tri đã thẳng thắn bày tỏ tâm tư và kỳ vọng tại kỳ họp, đại biểu HÐND tỉnh sẽ phản ánh những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chế độ chính sách, phát triển kinh tế - xã hội để các cấp, ngành chức năng xem xét, giải quyết.

 

Ðồng chí Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Ảng. Ảnh: Phạm Trung

Trong tháng 6 vừa qua, 37/50 đại biểu HÐND tỉnh đã tiếp xúc cử tri tại 25 điểm với 1.819 cử tri tham gia. Ðã có 276 ý kiến, kiến nghị của cử tri về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Cử tri đặc biệt quan tâm đến một số nghị quyết, đề án sẽ được HÐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Dự kiến kỳ họp thứ 10 HÐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua Ðề án Sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Ðây là nội dung nhận được nhiều ý kiến, trăn trở của cử tri. Ðến nay, toàn tỉnh mới có 2/10 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành Ðề án Sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố.

Cử tri Nguyễn Tác Ích, tổ dân phố 1, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Hiện nay, phường Thanh Trường có 16 tổ dân phố, bản. Thực hiện chỉ đạo của TP. Ðiện Biên Phủ về việc sáp nhập các tổ dân phố, bản, UBND phường đã xây dựng Ðề án Sáp nhập từ 16 xuống còn 14 tổ dân phố, bản. Trong đó, sáp nhập tổ dân phố 1 với tổ dân phố 7; tổ dân phố 11 với tổ dân phố 9 (cả 4 tổ dân phố đều không đạt chỉ tiêu dân số). Ðến nay, UBND phường đã lấy ý kiến người dân, cơ bản người dân cũng đồng thuận. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện sẽ gặp một số khó khăn như: Sau khi hợp nhất, địa bàn tổ dân phố mới sẽ có diện tích lớn, dân số tăng gấp đôi nhưng số lượng cán bộ tổ dân phố giảm xuống sẽ rất khó quản lý. Bên cạnh đó, nhiều người dân băn khoăn về các loại giấy tờ, thủ tục hành chính sẽ thay đổi sau khi sáp nhập. Vì vậy, tại kỳ họp này, cử tri kỳ vọng các đại biểu HÐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, bàn giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn.

TP. Ðiện Biên Phủ là địa bàn triển khai nhiều dự án trọng điểm của tỉnh. Trong đó có những dự án “treo” nhiều năm chưa thực hiện, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong vùng dự án. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhiều ý kiến cử tri mong muốn các cấp, ngành sớm đưa ra phương án giải quyết dứt điểm các dự án treo.

Cử tri Nguyễn Văn Huynh, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) bày tỏ: Dự án Bến xe khách Thanh Minh có chủ trương đầu tư từ năm 2005, sau nhiều lần điều chỉnh, lựa chọn, xác định vị trí, phương án đầu tư xây dựng, đến thời điểm này cơ bản vẫn thuộc tổ dân phố 1, xã Thanh Minh. Ðã hơn một thập kỷ trôi qua, chủ trương đã có, quyết định thu hồi đất phục vụ dự án cùng nhiều văn bản liên quan đã ban hành nhưng Dự án Bến xe khách tỉnh vẫn chưa được thực hiện. Cuộc sống của người dân trong vùng dự án bị xáo trộn, khó khăn đủ đường: Nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, nâng cấp; con cái tách hộ không được sang, nhượng đất… Người dân đã kiến nghị với các cơ quan chức năng rất nhiều lần nhưng tiến độ dự án vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Tại kỳ họp thứ 10, tôi mong muốn đại biểu HÐND tỉnh sẽ chất vấn các cơ quan liên quan về dự án này để người dân ổn định cuộc sống.

Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng là một vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, nhất là cử tri các huyện vùng cao, biên giới. Nội dung này, HÐND tỉnh cũng đã có cuộc giám sát chuyên đề và sẽ trình báo cáo giám sát tại kỳ họp.

Bà Phạm Thị Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ma Thì Hồ (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà) cho biết: Năm học 2018 - 2019, tỷ lệ huy động trẻ em dưới 36 tháng tuổi ra lớp của Trường Mầm non Ma Thì Hồ đạt trên 41%, cao gần gấp 2 lần chỉ tiêu Phòng Giáo dục - Ðào tạo huyện giao. Tuy nhiên, hiện nay số học sinh này chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa tại Trường nên việc duy trì sĩ số trẻ ra lớp gặp nhiều khó khăn. Nhiều phụ huynh đã góp gạo, củi nhờ thầy cô nấu ăn cho trẻ. Nhà trường đã cố gắng giúp trẻ ăn trưa tại trường song vì chế độ không có nên bữa ăn của trẻ không thể đạt tiêu chuẩn như các đối tượng học sinh khác. Vì vậy, chúng tôi mong muốn HÐND, UBND tỉnh và sở, ngành liên quan nghiên cứu, hỗ trợ chế độ ăn trưa cho trẻ dưới 36 tháng tuổi trên địa bàn.

Hướng về kỳ họp thứ 10, HÐND tỉnh khóa XIV, đông đảo cử tri trong tỉnh đã bày tỏ niềm tin và kỳ vọng vào tinh thần làm việc trách nhiệm của các đại biểu HÐND tỉnh, để tiếp tục có những quyết sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ðặc biệt là có phương án giải quyết những vấn đề bất cập từ thực tiễn, góp phần đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top