Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV

Chất vấn sôi nổi, trả lời trọng tâm

19:17 - Thứ Ba, 09/07/2019 Lượt xem: 11783 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (9/7), các đại biểu dự kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV bước vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn tập trung vào việc giải quyết các kiến nghị của cử tri và HĐND tỉnh sau giám sát.

Nhiều nội dung chất vấn được đại biểu, cử tri quan tâm, như: Tiến độ, kết quả giám sát dự án chuyển đổi đất rừng; bất cập trong việc bố trí đất tái định cư, xây dựng đường giao thông; xử lý tồn đọng, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ sản xuất, giao đất, giao rừng; việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; sử dụng đất di tích sai mục đích; vấn đề tai nạn giao thông; xử lý nước thải môi trường...

 

Đại biểu Lưu Trọng Lư, tổ đại biểu HĐND thành phố Điện Biên Phủ nêu câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. 

Các nội dung chất vấn của đại biểu đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, chủ yếu phản ánh những tồn tại, hạn chế gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dựa trên cơ sở phân cấp chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành đã thẳng thắn giải trình, làm rõ, với nội dung ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng vào vấn đề.

Nêu vấn đề về các dự án chậm tiến độ, đại biểu Lưu Trọng Lư, tổ đại biểu HĐND thành phố Điện Biên Phủ, cho biết: Qua giám sát, hiện toàn tỉnh còn 40 dự án chậm tiến độ, 384 dự án chưa được thẩm tra, phê duyệt quyết toán. Trong đó có 211 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện, thị xã, thành phố. Đây chính là nguyên nhân việc giải ngân gắn với nộp thuế của doanh nghiệp đại diện chủ đầu tư chậm, giảm nguồn thu cho tỉnh. Đại biểu Lưu Trọng Lư đề nghị các ngành liên quan làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong triển khai các dự án có nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước; xác định giải pháp khắc phục và bao giờ sẽ hoàn thành? Theo kết quả giám sát về tiến độ chuyển đổi đất rừng để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội triển khai chậm, 6 tháng đầu năm 2019 mới hoàn thành thủ tục chuyển đổi 93,29ha đất rừng của 6 dự án trên tổng số 226,09ha của 17 dự án, còn 132,8ha rừng của 11 dự án tiếp tục đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đến năm 2020. Đại biểu Lưu Trọng Lư đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, nguyên nhân nào là cơ bản cốt lõi và bao giờ thì hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi để tránh lãng phí thời gian, ngân sách, tăng nguồn thu cho tỉnh và người lao động?

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư đã thẳng thắn thừa nhận việc chậm tiến độ của các dự án sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Lý do 40 dự án chậm tiến độ hầu hết liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng... Để giải quyết vấn đề này, sở sẽ tác động các chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện xin phép chuyển đổi đất rừng theo quy định. Cùng với việc chậm giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, thì công tác quy hoạch, tư vấn, thủ tục quy hoạch của một số dự án cũng không đảm bảo. Do đó, sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh để có hướng giải quyết, giao vốn trên cơ sở các địa phương, đơn vị có nhu cầu làm, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý và điều hành vốn.

Về vấn đề thanh quyết toán của các dự án, Giám đốc Sở Tài chính Hà Quang Trung cho rằng, có nhiều lý do chậm giải ngân thanh toán vốn, như: kế hoạch giao vốn đầu năm được các ngành, các cấp tham mưu cho UBND tỉnh còn chậm; vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, tổ chức triển khai thực hiện… Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, của chính quyền các cấp, các cơ quan tham mưu cho tỉnh. Với trách nhiệm của cơ quan tài chính, sở đã thường xuyên có văn bản báo cáo tỉnh, các chủ đầu tư về nguồn vốn, thời gian thanh toán nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện.

Đại biểu Vừ Thị Liên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn về việc giải quyết dứt điểm việc giao đất nông nghiệp cho nhân dân ở khu tái định cư Nậm Chim, xã Si Pa Phìn, đối với các hộ chưa giao đủ đất theo hạn mức là 2ha. Ý kiến này đã được gửi đến kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIV và được UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo giải quyết. Vậy đến nay việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri nêu được đến đâu? Thời hạn bao giờ sẽ xong?

 

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư trả lời chất vấn. 

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Phi Sông cho biết: Sở đã thành lập tổ công tác vào huyện Nậm Pồ phối hợp với các sở, ban, ngành để thống nhất giải quyết các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho các hộ dân tại khu tái định cư Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ và điểm tái định cư Nậm San, huyện Mường Nhé. Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Nậm Pồ chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Mường Chà, các ngành, đơn vị liên quan thành lập tổ công tác tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ hồ sơ, diện tích đất đã giao cho các đối tượng (khoảng 59ha theo báo cáo của liên ngành); làm rõ nguyên nhân, diện tích đất thực tế đang có tranh chấp giữa các hộ sở tại và các hộ tái định cư; tổng hợp, báo cáo và đề xuất hướng xử lý hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Thời gian hoàn thành, báo cáo về UBND tỉnh trong tháng 7/2019. Bổ sung ý kiến về nội dung này, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết: Huyện đã cho người đến triển khai việc thành lập hồ sơ của từng hộ dân để có phương hướng giải quyết sớm nhất.

Trả lời ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh Tẩn Minh Long về việc chậm rà soát danh mục chuyển đổi diện tích đất rừng trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: Từ năm 2017, sở đã có 3 văn bản đôn đốc hướng dẫn các chủ đầu tư về việc chuyển đổi, tuy nhiên các chủ đầu tư không hợp tác theo những văn bản, hướng dẫn của sở. Về vấn đề này, phía sở nhận trách nhiệm vì chậm đôn đốc, chưa bám sát, dẫn đến tình trạng chuyển đổi chậm như đại biểu nêu. Do đó, trong thời gian tới, sở tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, tập trung hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình nhưng đảm bảo tiến độ,

Trả lời ý kiến của đại biểu Lò Thị Bích, tổ đại biểu HĐND thị xã Mường Lay và huyện Mường Chà về việc cho thuê, sử dụng đất di tích sai mục đích tại khu vực bảo vệ 1 của Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (khu vực hầm Đờ Cát), Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, cho biết: Phía Sở đã chỉ đạo Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có thông báo bằng văn bản, nhiều lần yêu cầu Doanh nghiệp Phú Hưng tháo dỡ các vật kiến trúc trên đất di tích, chấm dứt kinh doanh dịch vụ ăn uống và di dời toàn bộ cây cảnh ra khỏi khuôn viên di tích. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa hợp tác thực hiện. Mới đây vào tháng 4/2019, sở đã chủ trì, phối hợp với một số sở, ngành liên quan đi kiểm tra thực địa việc dựng lều, quán, hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp Phú Hưng và yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ hoàn trả mặt bằng trước tháng 5/2019. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành, vì thế phía sở sẽ tham mưu với cấp có thẩm quyền chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Vừ A Bằng, huyện Điện Biên Đông chất vấn Sở Công Thương về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án Thủy điện Sông Mã 3 còn nhiều vướng mắc, trách nhiệm của sở trong việc để đơn vị thi công chậm tiến độ và giải pháp trong thời gian tới? Trả lời ý kiến này, ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương đã nhận trách nhiệm và cho biết: Phía sở đã và đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn chỉnh hồ sơ đo vẽ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Tin, ảnh: Phương Liên – Tú Trinh
Bình luận
Back To Top