Ðường vào lòng dân

08:53 - Thứ Tư, 10/07/2019 Lượt xem: 10185 In bài viết

ĐBP - Con đường duy nhất dẫn chúng tôi từ trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ đi vào các huyện: Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé - nơi Ðoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 (Ðoàn 379), Quân khu 2 đóng quân là tuyến quốc lộ 4H. Nhưng còn có một con đường nữa mà hàng chục năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 379 vẫn thường đi và làm hàng ngày, đã góp phần xây thành lũy biên thùy đó là: “Ðường vào lòng dân”.

Ðể kiểm chứng kết quả “xây dựng thế trận lòng dân” ở mảnh đất cực Tây của Tổ quốc, chúng tôi cùng lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chuyên môn của Ðoàn 379 đã phải rà soát hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác. Những người đặt chân đến đây từ ngày thành lập hiện đang công tác tại Ðoàn chỉ còn hai người, đó là Thượng tá Nguyễn Văn Thường, Phó đoàn trưởng - Tham mưu trưởng và Trung tá Nguyễn Ðình Lương, Phó giám đốc Xí nghiệp 79.

Khi thành lập Ðoàn 379, anh Thường là trung úy, cán bộ trung đội trưởng của Sư đoàn 316 được điều động nhận nhiệm vụ trợ lý kế hoạch tại Nông trường 1. Tròn 20 năm công tác liên tục tại đoàn đã giúp anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý và kỷ niệm đẹp về vùng đất, con người nơi đây. Khi hỏi về ngày đầu lên vùng đất xa xôi ngày nay có tên là Nậm Pồ, anh Thường kể: Khi ấy tôi cùng hàng trăm đồng đội từ các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu được điều động nhận nhiệm vụ ở Ðoàn 379. Lúc bấy giờ địa bàn được coi là “4 không”: không điện lưới, điện thoại, giao thông và nhà ở. Ði ô tô chỉ đến được thị trấn Mường Chà sau đó hành quân một ngày mới vào đến địa điểm tập kết. Nhiệm vụ đầu tiên của cán bộ, chiến sĩ cùng nhau bắt tay chặt tranh tre nứa lá, dựng nhà ở tạm và nắm tình hình địa bàn, thực hiện nhiệm vụ.

Như hiểu ý của chúng tôi muốn tìm hiểu về đặc điểm địa bàn, Thượng tá Nguyễn Văn Thường giới thiệu ngay: Tại vị trí đoàn đứng chân nằm dưới dãy núi Si Pa Phìn, nhìn ra hướng Bắc là dòng suối Nậm Pồ. Ðịa bàn Ðoàn 379 gồm 3 huyện thuộc tỉnh Ðiện Biên và huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với 28 xã, 278 bản, trong đó có 18 xã giáp biên giới, với 16 dân tộc cùng chung sống, dân tộc Mông chiếm 68,1%. Những năm trước tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm còn nhiều khó khăn; thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai như cháy rừng, lũ lụt, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Ðặc biệt là tình trạng di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, buôn bán phụ nữ và hàng cấm qua biên giới còn diễn ra phức tạp. Nhưng với tất cả tấm lòng, trách nhiệm và trái tim người lính, chúng tôi luôn kiên trì, gần dân bám bản, thực hiện “4 cùng” với bà con, đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc. Từ đó dần dần làm thay đổi tư duy nếp nghĩ, xóa bỏ nhiều hủ tục đã kìm hãm bà con nơi này từ bao đời. Ðến nay, 100% xã thuộc địa bàn Ðoàn 379 phụ trách đã có điện lưới và đường ô tô vào đến trung tâm. Ðoàn đã giao cho 10 đội sản xuất và 1 xí nghiệp mỗi năm có trách nhiệm giúp đỡ 2 - 3 gia đình thoát nghèo; phân công cán bộ thường xuyên nắm chắc tình hình ở bản và dân cư hàng ngày. Ðã có biết bao công trình, việc làm thiết thực giúp đồng bào các dân tộc nơi đây phần nào vơi đi những khó khăn vất vả.

Nhấp ngụm trà xanh, anh Thường kể tiếp, triển khai thực hiện Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé đã được phê duyệt từ năm 2012. Trong 3 năm qua Ðoàn 379 đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương di chuyển các điểm bản là bản Húi To, Tá Phì Chà (xã Chung Chải), bản Cà Là Pá, (xã Leng Su Sìn) chuyển về các bản Mường Toong 6, 7, 8, xã Mường Toong; chuyển nhà cho 75 hộ, với 332 nhân khẩu về nơi ở mới cho bà con. Theo đó mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở và đất vườn, 2ha đất đồi để trồng trọt canh tác. Cuộc sống của bà con đã quen với môi trường và điều kiện mới. Bên cạnh đó, Ðoàn thường xuyên giúp đỡ dân khắc phục hậu quả lụt bão, cháy rừng. Cụ thể, vào tháng 8/2017, ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn trận lũ lịch sử đã cuốn trôi nhà của 7 gia đình. Nhận được thông tin, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 379 đã hành quân đến hiện trường, khẩn trương di dời, sơ tán người và tài sản và cứu giúp người bị nạn. 7 hộ gia đình đã được Ðoàn cưu mang, giúp đỡ lo cho cái ăn, nơi ở tạm thời qua lúc gian nguy cho đến khi dựng xong nhà chỗ ở mới. Trong suốt 3 tháng, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 379 đã tiết kiệm gạo để giúp đỡ 7 gia đình bị ảnh hưởng của đợt lũ. Việc làm trên khiến cho bà con dân bản ai nấy đều cảm phục tấm lòng của các chiến sĩ vùng biên ải.

Trong chuyến công tác, chúng tôi cùng Ðại tá Nguyễn Văn Huân, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Ðoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 đến bản Ma Thì Hồ, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà.Gặp bà con, mọi người chào hỏi anh Huân và bộ đội như người quen thân đi xa lâu ngày trở lại. Hỏi ra mới biết là quá trình lãnh đạo, chỉ huy đoàn đến bản khảo sát tình hình thực tế để lập dự toán xây dựng một số công trình như trường học, đường giao thông, bể nước sạch nên bà con biết rõ về anh Huân. Hơn thế nữa, từ khi hoàn thành con đường dài 13km, nối liền từ quốc lộ 4H đi các cụm bản thuộc xã Ma Thì Hồ thì người dân như có cuộc sống mới. Bởi trước đây đi lại cực kỳ khó khăn, trời nắng thì gặp toàn những rãnh sâu, “ổ trâu, ổ gà”, mưa thì trơn trượt, ô tô, xe máy không đi nổi. Nay có đường mới cuộc sống của người dân như thể được sang trang mới, các mặt hàng nông sản, thực phẩm nuôi trồng được có ô tô đến tận nhà thu mua. Người dân muốn xây dựng nhà cửa cũng rất thuận tiện khi vận chuyển vật liệu.

Ðại tá Nguyễn Văn Huân chia sẻ: Không chỉ là những công trình phúc lợi xã hội, Ðoàn 379 còn thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, củng cố hệ thống chính trị, tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu nâng cao đời sống tinh thần. Hàng ngày cán bộ, chiến sĩ của 10 đội xây dựng chính trị cơ sở, 1 xí nghiệp sản xuất sống và lao động cùng bà con; phối hợp nắm và quản lý chắc tình hình mọi mặt trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, xây dựng tuyến biên giới vững chắc. Ðoàn 379 đã phối hợp tổ chức hàng chục lớp dạy tiếng các dân tộc Mông, Dao, Thái, Hà Nhì… giúp các chiến sĩ giao tiếp thuận lợi và hiểu bà con hơn. Nhiều đồng chí đã có thâm niên hàng chục năm gắn bó nơi vùng cao heo hút để tuyên truyền vận động bà con định canh định cư, không theo đạo lạ và kẻ xấu.

Ðại úy quân nhân chuyên nghiệp Ðiều Văn Dự, Tổ trưởng Tổ vận động quần chúng, Ðội sản xuất xây dựng chính trị cơ sở số 3 là người đã có 9 năm gắn bó với bà con các dân tộc nơi đây. Trong phạm vi địa bàn được giao, anh biết từng nhà dân, thuộc từng đường mòn. Bà con nơi đây coi anh như người thân trong nhà, vì anh Dự đã giúp đỡ nhiều người tỉnh ngộ không nghe theo kẻ xấu, rời xa rượu chè, tích cực lao động sản xuất. Như trường hợp gia đình ông Hờ A Kháng, bản Huổi Thủng 2, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ. Ðầu năm 2017, gia đình ông bị một số đối tượng xấu lôi kéo theo đạo lạ, ruộng nương, chăn nuôi bỏ bê, có thời điểm con cái bị đứt bữa và bỏ học. Trước tình hình đó, Ðiều Văn Dự cùng cán bộ của Ðội số 3 thường xuyên đến gia đình ông Kháng tuyên truyền, vận động ông rời xa đạo lạ để chuyên tâm làm ăn. Có lúc ông Kháng và gia đình có ý định bỏ quê hương để di cư vào các tỉnh Tây Nguyên sinh sống. Trước những lời nói chân tình, có tính thuyết phục, phân tích đúng sai, phải trái rõ ràng, dù ở đâu cũng phải lao động, làm việc mới có cuộc sống tốt đẹp được nên ông Kháng và gia đình dần đã hiểu ra và nghe theo bộ đội. Cán bộ Ðội số 3 mỗi người trích một phần tiền lương giúp gia đình ông Hờ A Kháng khôi phục sản xuất, chăn nuôi dê, nuôi ong lấy mật và đào ao thả cá. Ðến nay mô hình “vườn, ao, chuồng” của gia đình ông Kháng đã đem lại hiệu quả, cuộc sống của vợ chồng ông và 5 người con đã ổn định.

Lúc chuẩn bị chia tay, Ðại tá Nguyễn Văn Huân nói với chúng tôi: “Vừa qua Ðoàn kỷ niệm tròn 20 năm ngày thành lập. Trong hai thập kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đoàn đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ðã có rất nhiều công trình, dự án đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế và ý nghĩa chính trị xã hội, giúp người dân nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống. Ðơn vị đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay trong công tác tuyên truyền vận động, biết tìm ra con đường đi vào lòng dân một cách hiệu quả nhất. Chính sự tin tưởng, yêu quý của bà con các dân tộc nơi đây như là liều thuốc tinh thần giúp cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn vất vả, tất cả vì sự bình yên, no ấm của nhân dân”.

Ðào Duy Tuấn (Báo Quân khu 2)

Bình luận
Back To Top