Điện Biên hoàn thành 100% mục tiêu công tác tư pháp

22:49 - Thứ Sáu, 12/07/2019 Lượt xem: 12008 In bài viết

ĐBP - Thông tin tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 12/7 cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm, công tác tư pháp của tỉnh Điện Biên đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt 100% các mục tiêu, chỉ tiêu do Bộ tư pháp và UBND tỉnh đề ra. 

Sở Tư pháp đã ban hành 20 văn bản, trong đó 4 Nghị quyết, 16 quyết định; chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra VBQPPL được nâng lên; qua kiểm tra đã phát hiện 2 văn bản sai về thể thức trình bày, 1 văn bản sai về nội dung và thể thức trình bày… qua đó đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của tỉnh, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về công tác tư pháp. Công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp được triển khai toàn diện, đồng bộ; công bố mới 2 thủ tục hành chính (TTHC); sửa đổi, bổ sung 6 TTHC; bãi bỏ 3 TTHC; thay thế 4 TTHC đối với các lĩnh vực bồi thường Nhà nước, luật sư, trọng tài thương mại, nuôi con nuôi… Toàn tỉnh đã bổ trợ, trợ giúp pháp lý được hơn 410 vụ việc; tiến hành hòa giải hơn 270 vụ việc; trao 83 quyết định của Chủ tịch nước cho 83 công dân Lào được nhập quốc tịch Việt Nam.

6 tháng đầu năm, ngành tư pháp cả nước đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, nhất là 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong công tác xây dựng pháp luật, so với cùng kỳ năm 2018, số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành tiếp tục giảm ở hầu hết các cấp, trong đó giảm mạnh ở cấp huyện và cấp xã. Cụ thể: ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 348 VBQPPL (giảm 22,5%); các địa phương ban hành 1.293 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 1,7%); 391 VBQPPL cấp huyện (giảm 57,6%) và 1.758 VBQPPL cấp xã (giảm 69%). Công tác rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tiếp tục đóng góp quan trọng cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước dễ dàng tiếp cận, áp dụng các quy định của pháp luật. trong công tác tổ chức thi hành pháp luật… Từ đầu năm đến nay, các bộ ngành, địa phương tổ chức hơn 700.000 cuộc tuyên truyền pháp luật (tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2018) cho hơn 37,8 triệu người; 7.758/9.874 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018. Thi hành án dân sự 8 tháng đầu năm (1/10/2018 - 5/2019) thực hiện 758.323 việc (tăng 4,56%), đã thi hành xong 336.404 việc (đạt 60,24%); các địa phương đạt kết quả cao là: Điện Biên (85,84%), Lai Châu (89,27%), Bắc Kạn (86,81%)…

Ý kiến thảo luận tại hội nghị tập trung một số nội dung: Tình hình hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp; khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính; tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp chưa xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu; khó khăn trong triển khai quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 về tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tự pháp; giải pháp khắc phục trong triển khai đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; công tác hộ tịch, quốc tịch đối với người di cư tự do từ Lào, Campuchia về nước; đề xuất giải pháp sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng hạng “Chỉ số tuân thủ pháp luật”; tiếp tục nghiên cứu, xử lý vấn đề hộ tịch có yếu tố nước ngoài; hoàn thành các chỉ tiêu của công tác thi hành án dân sự; phát huy vai trò của người đứng đầu ngành tư pháp tại các đơn vị, địa phương.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top