Quản lý Nhà nước về tôn giáo ở Ðiện Biên

09:02 - Thứ Tư, 17/07/2019 Lượt xem: 12032 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo chính đang hoạt động gồm: Tin lành, Công giáo, Phật giáo; ngoài ra còn một số hiện tượng mang yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo và tà đạo như: Tín ngưỡng tâm linh Hồ Chí Minh, Pháp Môn Diệu âm, Pháp Luân công, Hội thánh Ðức Chúa Trời Mẹ, Bà Cô Dợ, Giê Sùa. Tính đến ngày 30/5/2019, toàn tỉnh có hơn 12.000 hộ với trên 68.000 người theo tôn giáo, cư trú tại 674 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 122 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tỷ lệ người dân theo đạo Tin lành chiếm đa số với 92,49% số hộ và 94,76% số người.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động tôn giáo tương đối ổn định, tuân thủ pháp luật. Các điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung chấp hành tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện theo đúng chương trình, nội dung đăng ký hàng năm, các quy định của địa phương và nơi cư trú... Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số nhóm, phái cực đoan liên quan đến đạo Tin lành hoạt động trái pháp luật như “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”, “Hội thánh Ðức Chúa Trời Mẹ”. Ðây là những tôn giáo chưa được công nhận, có yếu tố tà đạo, hoạt động lén lút dưới nhiều hình thức và được một số tổ chức, cá nhân tôn giáo trong và ngoài nước chỉ đạo hoạt động và tài trợ tiền, kinh sách. Một số đối tượng thường xuyên đến địa bàn củng cố niềm tin tôn giáo, chỉ đạo hướng dẫn tuyên truyền phát triển đạo, tổ chức các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, lôi kéo kích động người dân viết đơn vu cáo chính quyền gây khó khăn, cản trở sinh hoạt, hoạt động tôn giáo.

Xác định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do vậy Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, tham mưu giải quyết các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, các cơ quan chức năng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước về tôn giáo; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về tôn giáo cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm cụ thể hoá các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương về công tác tôn giáo như: Văn bản số 649/UBND-KT ngày 13/3/2019 về phối hợp, quản lý, hướng dẫn tổ chức lễ hội Phật giáo mùa Hoa Ban lần thứ 5 và kỷ niệm 5 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ðiện Biên; Văn bản số 125/UBND-NC ngày 11/4/2019 về tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến đạo Phật trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên… Công tác kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Hiện nay, tỉnh ta đã thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ chuyên trách theo dõi, tham mưu cho UBND tỉnh quản lý các hoạt động tôn giáo trên địa bàn; 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã bố trí từ 1- 2 cán bộ, chuyên viên phụ trách, theo dõi (kiêm nhiệm) công tác tôn giáo. Các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện để chức sắc, tín đồ tôn giáo được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện các lễ nghi trong khuôn khổ của pháp luật. Triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật về tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác tôn giáo và các chức sắc, chức việc của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Các tôn giáo được hướng dẫn đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, công tác phối hợp đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo trên địa bàn tỉnh được các cơ quan chức năng chú trọng. Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng sinh hoạt, hoạt động tôn giáo của các điểm nhóm, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Thực hiện quản lý, theo dõi chặt chẽ các đối tượng từ bên ngoài đến địa bàn tỉnh tìm hiểu tôn giáo và tuyên truyền, thực hiện các hoạt động có liên quan đến tôn giáo; kịp thời ngăn chặn một số đối tượng chuẩn bị tổ chức tuyên truyền, giảng đạo trái pháp luật. Tranh thủ các chức sắc, chức việc, người có uy tín, động viên họ tích cực tham gia công tác vận động tín đồ không tin theo luận điệu tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, không di cư, không xuất cảnh trái phép; không tập trung đông người gây rối an ninh trật tự.

Không ngừng nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về tôn giáo, những năm qua, tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, các quyền cơ bản của chức sắc, tín đồ được đảm bảo đã tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và giáo hội; những vụ việc liên quan đến tôn giáo phát sinh trên địa bàn cơ bản được giải quyết tốt, tình hình an ninh chính trị được giữ vững. Xu hướng đối thoại, hợp tác giữa các tôn giáo với chính quyền ngày càng được củng cố, tăng cường; sinh hoạt tôn giáo cơ bản tuân thủ pháp luật, giáo hội các tôn giáo thường xuyên phối hợp hướng dẫn, vận động các chức sắc, tín đồ thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top