Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Tinh gọn bộ máy thôn, bản - Cách nhìn từ Tuần Giáo

09:08 - Thứ Tư, 14/08/2019 Lượt xem: 13608 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, câu chuyện về tinh gọn bộ máy từ cơ sở trở nên “nóng” tại nhiều địa phương, bởi nó tác động đến thói quen và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người. Thực hiện hay không, không phải là vấn đề bàn tới. Bởi đã là chủ trương, quy định của Nhà nước thì phải tuân thủ. Nhưng không phải việc triển khai thực hiện ở địa phương nào cũng thuận lợi. Dễ hay khó, phụ thuộc vào tình hình thực tế và cách nhìn của mỗi địa phương. Qua thực hiện ở huyện Tuần Giáo cho thấy, chỉ khi quyết tâm cao thực sự bắt tay vào làm thì dù khó đến mấy cũng sẽ tìm được cách gỡ. 

 

Phụ nữ xã Quài Nưa trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình no ấm. Ảnh: Hải Yến

Hành chính ngay từ cấp cơ sở

Tôi cho rằng đây không phải là đánh giá chủ quan, mà được đúc kết từ thực tiễn của đồng chí Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tuần Giáo Trần Bình Trọng. Nếu như với cách sắp xếp, bố trí trước đây, thì bình quân mỗi thôn, bản cấp cơ sở ở Tuần Giáo phải có từ 9 - 11 người đảm nhận các chức danh, bao gồm: Trưởng bản, bí thư chi bộ, công an viên, thôn đội trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, y tá thôn bản, người cao tuổi... Thậm chí, có thôn, bản chỉ gần 20 nóc nhà, nhưng vẫn có đầy đủ 9 chức danh này. Bộ máy cồng kềnh, song lại không nói lên chất lượng và hiệu quả công việc. Nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” xoay quanh bộ máy cán bộ cấp cơ sở, đã bộc lộ những bất cập khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới; đồng thời gây ra những bất lợi, phiền toái vì sự “hành chính hóa” từ cơ sở.

Một câu chuyện thường gặp nhất, đó là khi xuống bản, muốn nắm bắt tình hình chung thì không phải đồng chí trưởng bản, hay bí thư chi bộ nào cũng có thể trao đổi được đầy đủ. Tại một số nơi, cán bộ thôn, bản chỉ nắm được thông tin ở lĩnh vực mình được giao. Có đồng chí bí thư chi bộ chỉ biết bản có bao nhiêu đảng viên, bao nhiêu mô hình đảng viên làm kinh tế giỏi…; có chi hội trưởng phụ nữ chỉ biết bản có bao nhiêu hội viên phụ nữ, bao nhiêu chị em được vay vốn ngân hàng… Như vậy, để có thông tin tổng hợp, đôi lúc phải tìm đủ các chức danh. Trong khi đó, với đặc thù của địa bàn miền núi, không phải lúc nào cũng gặp được hết, do có người còn bận đi nương, chăn trâu… Thậm chí, nhiều nơi khi tìm bí thư chi đoàn của bản thì lại nhận được thông báo là hiện không có mặt tại địa phương vì phải đi làm ăn xa…

Thực tế này cũng là rào cản trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Ðảng, Nhà nước ở cơ sở. Ðơn cử như vừa qua, thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố, huyện Tuần Giáo đã triển khai tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến và tuyên truyền ở các cơ sở. Song, một số nơi phải mất nhiều thời gian chờ đợi mới tổ chức được, do “bố trí được người này thì lại vắng người kia”, trong khi cơ sở yêu cầu phải có mặt đầy đủ các ban bệ, tổ chức đoàn thể.

Không những vậy, tại một số địa bàn vùng khó, khi trao đổi bước đầu với đại diện các tổ chức đoàn thể thì cơ bản đều đồng tình ủng hộ. Nhưng khi tổ chức hội nghị chính thức, thì đại diện các tổ chức này, như: thanh niên, nông dân, công an viên… đều vắng mặt vì đi làm ăn xa. Người dự họp đa phần là phụ nữ, do nhận thức còn hạn chế, nên cương quyết phản đối, do sợ sáp nhập sẽ phải chia sẻ đất canh tác, nhà văn hóa bản…

Khoảng 10 tỷ đồng tiết kiệm cho ngân sách

Theo thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy Tuần Giáo, tính đến đầu năm 2018 toàn huyện có 2.359 người làm việc tại thôn bản, bằng 52,4% so với định mức của Nhà nước. Làm một phép tính đơn giản, với mức phụ cấp hiện hành theo quy định thì ước tính bình quân mỗi năm địa phương này phải bỏ ra khoảng 17 tỷ đồng để chi cho bộ máy này.

Sau khi cân đối, rà soát về tính hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, thấy việc tinh gọn theo chủ trương của Nhà nước là phù hợp và thực sự cần thiết, tháng 6/2018 Huyện ủy Tuần Giáo đã triển khai văn bản chỉ đạo xuống các xã trong huyện. Ngay lập tức, một số xã đã tiên phong bắt tay vào thực hiện. Và điều thực sự bất ngờ, là huyện đã lựa chọn xã Mường Khong - địa bàn khó khăn nhất để “làm phép thử”. Chỉ sau 2 tháng triển khai, đến ngày 13/8/2018, Mường Khong hoàn thành phương án sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy tại 9/9 bản, trong đó bao gồm 7 bản vùng thấp và 2 bản vùng cao. Nghĩa là, ở mỗi bản trước kia có 9 người hoạt động bán chuyên trách, thì nay chỉ còn 3 người.

Trao đổi về kết quả này, ông Cà Văn Thương, Bí thư Ðảng ủy xã Mường Khong nhận định: “Khi bắt tay triển khai thực hiện, chúng tôi rất quyết tâm. Nhưng tất nhiên không thể tránh khỏi những băn khoăn hay ý kiến trái chiều. Vì liên quan đến nhiều người, sau khi bàn bạc, thống nhất ở cấp xã, chúng tôi đã giao quyền cho bản tự lựa chọn, giới thiệu nhân sự; trên cơ sở đó để cân đối, bố trí nhiệm vụ cho từng người; đồng thời gặp gỡ, trao đổi, giải thích đối với những người phải cắt giảm, cũng như động viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người được tin tưởng kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác”.

Từ “cú bộc phá” ở Mường Khong, nhiều xã vùng thấp đã thêm quyết tâm để triển khai thực hiện. Một trong số đó là xã Quài Cang, mặc dù số thôn bản lớn (24 thôn, bản), song đến tháng 11/2018 xã cũng đã hoàn tất việc cắt giảm, bố trí lại đội ngũ cán bộ cấp thôn bản từ 9 xuống còn 3 người. Qua đánh giá bước đầu, sau hơn 8 tháng triển khai thì mọi hoạt động của các tổ chức ở thôn, bản vẫn diễn ra ổn định, thậm chí hiệu quả trao đổi, giao và thực hiện nhiệm vụ giữa cấp xã với thôn, bản thuận tiện và trôi chảy hơn trước. Ðáng mừng hơn, theo tính toán sơ bộ từ đầu năm đến nay, chỉ riêng xã Quài Cang đã tiết kiệm được trên 500 triệu đồng phải chi cho đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản.

Cùng với 2 xã kể trên, thống kê toàn huyện Tuần Giáo cho đến nay đã cắt giảm không hưởng phụ cấp được 1.648 người. Cũng với phép tính tượng tự, thì ước tính năm 2019 Tuần Giáo sẽ tiết kiệm được khoảng 10 tỷ đồng cho ngân sách, từ khoản chi cho nội dung này. 

Chỉ khó khi chưa bắt tay làm

Ðánh giá đây là một việc làm khó, bởi liên quan đến quyền lợi trực tiếp của nhiều người, nếu cắt giảm không khéo sẽ để lại nhiều tâm tư, thậm chí gây ra những bức xúc không đáng có. Tuy nhiên, ông Trần Bình Trọng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tuần Giáo cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, chỉ khó khi chưa bắt tay vào làm.

Thực tế ở Tuần Giáo cũng minh chứng cho nhận định này. Cấp ủy các cấp sau khi nghiên cứu các văn bản, chủ trương về việc sắp xếp, bố trí tinh gọn lại bộ máy thôn, bản thì thống nhất rất cao. Lúc đầu một số đơn vị làm rất quyết liệt, một số nơi lại vừa làm vừa nghe ngóng. Nhưng khi đã quyết tâm thì đều đã hoàn thành. Ðể nhận được sự đồng thuận từ dưới lên, huyện Tuần Giáo đã quyết định giao thẩm quyền lựa chọn người làm việc ở thôn, bản do cấp xã; đồng thời xã phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về người được lựa chọn. Bởi chỉ khi họ tự chọn người làm việc cho mình, thì mới đảm bảo thực chất, chọn đúng người, đúng việc và hiệu quả công việc được nâng cao.

Trước những tâm tư, vướng mắc ở cơ sở, chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, vận động được huyện chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Làm rõ những quy định, để mọi người đều hiểu và đồng thuận với chủ trương, vì sự phát triển chung của làng bản, cộng đồng.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở nhiều địa phương mà Tuần Giáo chắc chắn không nằm ngoại lệ, đó là chế độ phụ cấp không tăng, trong khi việc kiêm nhiệm nhiều thêm, thì liệu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản có tăng? Rồi chất lượng, hiệu quả công việc vì thế có bị ảnh hưởng?

Với những băn khoăn này, ông Trần Bình Trọng cho rằng có nhiều giải pháp có thể tháo gỡ được. Cần nhìn nhận một thực tế, đó là bản chất của các tổ chức hội, như: Thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh... là tự nguyện. Mỗi người khi nhận nhiệm vụ đa phần đều đã có công việc riêng, chứ kinh tế không hoàn toàn phụ thuộc vào khoản trợ cấp. Chính vì vậy, yêu cầu trước tiên là cần phải phân tích rõ để mỗi người hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng như sự tín nhiệm của tổ chức đối với mình, để nhận nhiệm vụ trên tinh thần tự nguyện là chính.

Tuy nhiên, bởi vốn được gọi là những người “vác tù và hàng tổng” nên bản thân họ, gia đình họ phải “no cơm, ấm bụng” thì mới yên tâm “vác tù và”. Tức là trước tiên, gia đình của họ phải ổn định về đời sống, kinh tế. Muốn làm được điều đó thì cùng với việc xem xét nâng mức phụ cấp cho phù hợp tình hình thực tế, không giải pháp nào khác là các địa phương phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, cũng như triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, hỗ trợ vùng khó. Và chính số tiền cắt giảm được từ việc tinh gọn không phải quá lớn, song sẽ phát huy hiệu quả nếu nó được sử dụng đúng mục đích.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top