Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Khi một “vai” mang hai “gánh”

09:05 - Thứ Năm, 15/08/2019 Lượt xem: 13561 In bài viết
ĐBP - Lâu nay, ở các địa phương, đội ngũ trưởng bản vẫn được ví như “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở; còn bí thư chi bộ được xem là “cánh tay” của Ðảng. Mỗi người một vai trò, nhiệm vụ, song đều phục vụ một mục đích chung là cùng dẫn dắt nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, tích cực hưởng ứng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa, góp phần dựng xây quê hương. Vì thế, nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản là giải pháp hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhằm hướng tới một nền hành chính tinh gọn, hiêu quả. Song, vừa chăm việc Ðảng, vừa lo chuyện dân, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung? Và những người cùng lúc đảm nhận 2 vị trí quan trọng ở cơ sở, họ làm thế nào để “tròn vai”? Ðó là những vấn đề đang được đặt ra ở Tuần Giáo - một trong những huyện tiên phong trong triển khai thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng bản của tỉnh.

 

Bí thư kiêm Trưởng bản Cà Văn Diên (ngoài cùng bên trái) tham gia cuộc họp triển khai nhiệm vụ do Ðảng ủy xã Mùn Chung tổ chức.

Tròn việc Ðảng, trọn việc dân

Ðến bản Co Kham, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo), trò chuyện với người dân, cái tên Cà Văn Diên đã trở nên thân thuộc và nhận được nhiều sự tín nhiệm. Là một bí thư chi bộ lâu năm, đến năm 2018 vừa qua, ông Diên tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu thêm chức danh trưởng bản, đây đồng thời cũng là chủ trương của xã, huyện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.

Co Kham được xem là một trong những bản khó khăn của xã. Bản có 80 hộ, 344 nhân khẩu, trong đó có 45 hộ nghèo. Khi đưa ra những đánh giá về địa bàn mình quản lý, ông Cà Văn Diên thẳng thắn thừa nhận: “Trước kia mới kêu khó khăn thôi. Chứ những năm gần đây Co Kham được quan tâm đầu tư nhiều rồi, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, qua đó bà con có điều kiện thuận lợi hơn. Chỉ có điều, đa phần bà con còn hạn chế về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất nên năng suất và hiệu quả chưa cao, kinh tế vì thế cũng còn nhiều hạn chế”.

Từ việc xác định, nhìn nhận đúng đắn về điểm yếu này, ngay khi “gánh vác” thêm vai trò trưởng bản, ông Diên đã vạch ra hướng đi cụ thể cho bà con cùng phấn đấu. Trước tiên, để lấy được niềm tin của nhân dân, ông Diên vận động 7 đảng viên trong bản cùng tiên phong triển khai các mô hình sản xuất có áp dụng khoa học kỹ thuật. Từ việc đơn giản nhất là chăn nuôi gà vịt trong gia đình, phải chọn giống ở nơi uy tín, vệ sinh khu vực chăn nuôi sạch sẽ, tiêm phòng dịch định kỳ… Cho đến việc lựa chọn cây trồng phù hợp, rồi áp dụng các biện pháp cải tạo đất, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc theo từng giai đoạn để cây sinh trưởng, phát triển tốt… Nhìn thấy con gà, con vịt khỏe mạnh, cây ngô, cây lúa cho năng suất cao, dân bản cứ thế học hỏi, rồi làm theo.

Những nỗ lực của Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cà Văn Diên cùng những đảng viên đã tạo thành phong trào thi đua sôi nổi khắp bản. Ðiều đáng mừng nhất là theo kết quả rà soát, kiểm đếm hộ nghèo vào tháng 4/2019 vừa qua, Co Kham đã giảm được 5 hộ nghèo, cho đến nay chỉ còn 40 hộ. Và chi bộ Co Kham cũng được đánh giá là chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân, ông Diên thừa nhận: “Trước kia, nói đến tình hình đời sống bà con trong bản thì tôi chỉ nắm sơ bộ, chủ yếu là thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác Ðảng thôi. Nay kiêm thêm nhiệm vụ trưởng bản, công việc nặng nề, nhiều lúc cũng thấy rối rắm. Nhưng chỉ mất thời gian đầu, giờ quen việc thì thuận tiện hơn nhiều. Vừa là người tiếp thu chủ trương, đường lối,  nghị quyết, vừa trực tiếp lãnh đạo thực hiện nên triển khai công việc nhanh hơn, dễ tạo được sự thống nhất cao trong chi ủy, chi bộ và ban cán sự của bản. Nói thật, tôi cũng trăn trở nhiều lắm, lỡ mà không làm tròn vai thì khó ăn nói với dân. Song rồi lại nghĩ “dân có tin thì Ðảng mới cử”, nên tôi nỗ lực phát huy hết khả năng của bản thân để làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để gánh trọn “hai vai”, ngoài nỗ lực của bản thân thì đòi hỏi rất nhiều vào sự đoàn kết, tinh thần cộng sự của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự ủng hộ của bà con”.

“Chọn mặt gửi vàng”

Cùng với ông Diên, cho tới thời điểm hiện tại, huyện Tuần Giáo đã triển khai thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng bản tại 124/237 thôn, bản, tổ dân phố, đạt 52,3%. Không phải ngẫu nhiên mà 124 gương mặt được lựa chọn để giao “gánh vác” cùng lúc 2 trọng trách quan trọng nhất ở cấp cơ sở. Theo ông Trần Bình Trọng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tuần Giáo: “Huyện chỉ triển khai đồng bộ chủ trương xuống cơ sở, còn lại để các địa phương tự cân đối tình hình, điều kiện thực tế để thực hiện. Vấn đề quan trọng nhất mà phần lớn cơ sở gặp phải ngay từ ban đầu đó là công tác nhân sự. Việc lựa chọn được người có đủ điều kiện về phẩm chất, năng lực để kiêm nhiệm cả hai vai (bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản) là bài toán khó. Bởi trên thực tế, nhiều trưởng bản chưa chắc đã là đảng viên; còn bí thư chi bộ thì lại chưa hẳn được người dân tín nhiệm. Bởi vậy, việc lựa chọn con người ra sao, như thế nào không thể tùy tiện, càng không được áp đặt, mà phải cân nhắc “chọn mặt gửi vàng”; phát huy tính dân chủ, lấy ý kiến, phiếu tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Người được chọn làm bí thư kiêm trưởng thôn, bản, ngoài năng lực, trình độ, nhiệt tình, tâm huyết thì điều quan trọng nhất là phải có uy tín với dân. Dù năng lực cán bộ còn hạn chế mặt nọ, mặt kia nhưng được lòng dân thì sẽ thuận lợi trong quản lý, điều hành, tuyên truyền, vận động. Ngược lại cho dù có năng lực, có trình độ nhưng lòng dân không thuận thì cũng khó mà gánh trọn hai vai”.

Qua quá trình “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, theo đánh giá chung của Ban Tổ chức Huyện ủy, phần đa các bí thư kiêm trưởng bản đã có bước chuyển vượt bậc trong kinh nghiệm quản lý, điều hành, xử lý các tình huống ở cơ sở. Một số đồng chí bí thư kiêm trưởng bản với uy tín, năng lực, cách nghĩ, cách làm mới và tinh thần, trách nhiệm cao đã khẳng định được vai trò trong “dân vận khéo”, tạo sự đồng thuận “ý Ðảng, lòng dân” trong thực hiện các phong trào thi đua.

Ðơn cử như tại xã Quài Cang, trong tổng số 16/24 bí thư kiêm trưởng bản hiện có, thì nhiều cái tên tiêu biểu được chính quyền và người dân nhắc tới, như: Ông Lò Văn Hiến (bản Giăng), Lò Văn Trường (bản Côm), Cà Văn Cương (bản Cưởm)… Ðánh giá cao những cái tên vừa nhắc, ông Lò Văn Khuyên, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Quài Cang nhận định: “Những người phát huy tốt trọng trách “hai vai”, ngoài sự nhiệt huyết ra thì đa phần đều là những người đã có kinh nghiệm, vốn là bí thư chi bộ. Khó khăn duy nhất của chúng tôi hiện nay là một số bản bí thư chi bộ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn; còn trưởng bản thì hoặc không phải là đảng viên, hoặc quá lớn tuổi. Ðây cũng chính là lý do khiến 8 bản còn lại của xã chưa triển khai thực hiện được mô hình này”.

Rõ ràng, nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng bản không phải là vấn đề mới, nhưng để tiến hành đồng bộ thì không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Ðối với xã Mường Khong, theo ông Cà Văn Thương, Bí thư Ðảng ủy xã thì trở ngại lớn nhất là trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ tại bản còn hạn chế. Do đó, khi kiêm nhiệm quá nhiều việc thì bắt đầu lúng túng, gặp khó khăn trong lãnh đạo bà con thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, trên địa bàn một số nơi vẫn còn tồn tại tư tưởng dòng họ cục bộ cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ cơ sở…

Việc thực hiện mô hình nhất thể hóa bí thư kiêm trưởng bản ở Mường Khong cũng đang dừng lại ở con số 7/9 bản. Vướng mắc còn lại nằm ở 2 bản vùng cao là Huổi Nôm và Hua Sát, do thời điểm triển khai thực hiện thì cả 2 bản đều chưa có đảng viên, chưa thành lập được chi bộ.

Ðể gỡ vướng, Mường Khong đã đẩy mạnh công tác đào tạo, nhằm nâng cao trình độ và năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp thôn; đồng thời ưu tiên phát triển Ðảng và xóa bản chưa có đảng viên. Những đảng viên tiên phong của xã đã được luân chuyển xuống sinh hoạt tại bản, trên cơ sở đó phát hiện bồi dưỡng và giới thiệu những quần chúng ưu tú để kết nạp vào Ðảng.

Tháng 8/2018, chi bộ Hua Sát được thành lập với 4 đảng viên và chi bộ Huổi Nôm 6 đảng viên. Hiện tại, xã đã chuẩn bị xong công tác nhân sự cho vị trí bí thư kiêm trưởng bản tại 2 bản này; đồng thời lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Dự kiến, sẽ hoàn tất vào khoảng tháng 11 tới, khi triển khai lồng ghép với chương trình đại hội các chi bộ.

Qua rà soát, thống kê cho thấy, hiện Tuần Giáo còn 57 trưởng bản, khối phố đang là đảng viên. Ðây chính là cơ sở để địa phương này tiếp tục định hướng, bổ sung vào danh sách những bí thư kiêm trưởng bản mới trong tương lai gần. Mặc dù thời gian triển khai chưa dài để đánh giá đầy đủ hiệu quả về mô hình, song có thể khẳng định việc thực hiện được đồng bộ trong điều kiện không ít khó khăn như hiện nay là một bước chuyển mình đầy mạnh dạn của Tuần Giáo. Và thực tế này đã minh chứng rất rõ rằng, dù nhất thể hóa bất cứ chức danh nào, sẽ là “gánh nặng” nếu chọn không đúng người, giao không đúng việc; nhưng cũng sẽ “vừa sức”, “tròn vai” nếu lựa chọn được đúng người và bản thân người được chọn toàn tâm, toàn ý với “việc Ðảng, việc dân”.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top