Quan tâm hơn đến công tác quản lý Nhà nước về dân tộc

11:31 - Thứ Tư, 18/09/2019 Lượt xem: 12306 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục Chương trình giám sát về “Kết quả triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc tỉnh Điện Biên”; ngày 18/9, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) do đồng chí Vừ Thị Liên, Trưởng ban làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh.

Đồng chí Vừ Thị Liên, Trưởng ban Dân tộc (HĐND tỉnh) phát biểu tại buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh.

Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực, tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND - UBND, chủ động bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đã hỗ trợ các địa phương giải quyết những khó khăn cơ bản về: Đường giao thông, trường học, trạm xá, điện sinh hoạt... Đồng thời, giúp nhân dân ổn định sinh hoạt, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xóa đói giảm nghèo; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Chương trình 135/CP, giai đoạn 2015 - 2019, đã giải ngân 833.209 triệu đồng, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 670 hộ, 149,457ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 5.077 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 10.047 hộ; đầu tư 23 công trình nước sinh hoạt tập trung. Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống”, giai đoạn 2013 - 2019, Ban Dân tộc tỉnh đã hoàn thành 9 công trình đưa vào sử dụng; 6 công trình chuẩn bị đưa vào khởi công quý III, 2019. Đối với Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Si La”, năm 2019 đã phân bổ vốn sự nghiệp 3.002 triệu đồng.

Về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS ngày càng được nâng lên. Hiện toàn tỉnh có 10.999 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 41,99%. Trong đó, trình độ đại học 991 người, thạc sỹ 44 người... Viên chức cấp tỉnh, cấp huyện là 8.259 người, chiếm 39%; công chức, viên chức cấp xã 2.238 người, chiếm 79,1%.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề xuất nhiều ý kiến, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đoàn giám sát đề nghị Ban Dân tộc tỉnh làm rõ một số nôi dung: Kết quả giải ngân các chương trình dự án; quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ là người DTTS ở các cấp; khôi phục, bảo tồn các phong tục truyền thống của đồng bào các DTTS. Đồng thời, bố trí kinh phí mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS; quan tâm bổ sung biên chế tại phòng dân tộc các huyện...

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, đồng chí Vừ Thị Liên, Trưởng ban Dân tộc (HĐND tỉnh) tiếp thu kiến nghị, đề xuất của Ban Dân tộc tỉnh. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, đồng chí Vừ Thị Liên đề nghị Ban Dân tộc: Cần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ban; quan tâm công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; tăng cường hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc; rà soát lại cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tại các huyện, xã. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tin, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top