Ðể việc tinh gọn bộ máy thực sự hiệu quả và đồng thuận cao

08:33 - Thứ Năm, 17/10/2019 Lượt xem: 12785 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách (KCT) cấp xã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến, triển khai chính sách, pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các địa phương. Sắp tới đây, theo quy định mới, chức danh hoạt động KCT cấp xã sẽ giảm gần một nửa so với hiện tại nhưng đổi lại phụ cấp cao hơn. Ðây là động lực cho những người hoạt động KCT gắn bó và tận tâm cho công việc, nhưng cũng là nỗi tâm tư đối với một bộ phận thuộc đối tượng cắt giảm.

Xứng đáng với công sức bỏ ra

Người hoạt động không chuyên trách cấp xã không hưởng lương từ ngân sách mà chỉ hưởng phụ cấp theo quy định, thời gian làm việc khoảng 3 ngày/tuần. Mặc dù vai trò, trọng trách được giao không hề nhỏ, tuy nhiên quyền lợi được hưởng lại chưa tương xứng. Hiện nay, những người hoạt động KCT cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh được hưởng phụ cấp theo Quyết định số 10/2015/QÐ-UBND của UBND tỉnh. Theo đó, các chức danh có mức phụ cấp khác nhau, từ 0,5 - 0,7 mức lương cơ sở, cao nhất là 1 lần mức lương cơ sở, bao gồm cả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tại kỳ họp bất thường của HÐND tỉnh khóa XIV vào cuối tháng 8 vừa qua đã thông qua Nghị quyết số 14/2019/NQ-HÐND, trong đó quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động KCT ở cấp xã. Cụ thể, cắt giảm một số chức danh, nhiệm vụ trùng lặp với nhiệm vụ của một số chức danh công chức cấp xã. Ðối với cấp xã loại 1 giảm người hoạt động KCT từ tối đa 24 người xuống còn tối đa 12 người; cấp xã loại 2 giảm từ tối đa 23 người xuống còn tối đa 10 người; cấp xã loại 3 từ tối đa 22 người còn tối đa 10 người. Xã loại 1 có nhiều hơn 2 người hoạt động KCT so với các xã còn lại, bao gồm người giúp việc cho Ðảng ủy (xã loại 1 có 2 người, loại 2, 3 có 1 người) và chức danh chủ tịch hội chữ thập đỏ (CTÐ). Về mức phụ cấp, các chức danh: Người giúp việc cho Ðảng ủy; chủ tịch hội người cao tuổi; chủ tịch hội CTÐ; thủ quỹ - văn thư - lưu trữ; phó chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc (MTTQ); phó bí thư đoàn; phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ; phó chủ tịch hội nông dân; phó chủ tịch hội cựu chiến binh được hưởng mức phụ cấp 1,4 so với mức lương cơ sở. Các chức danh: Phó trưởng công an; phó chỉ huy trưởng quân sự hưởng mức phụ cấp 1,7 so với mức lương cơ sở. Mức phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Chị Lò Thị Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) có gần 10 năm công tác trong vai trò này. Mỗi tuần chị trực tại văn phòng Hội 2 ngày, ngoài ra chị cũng hiếm khi vắng mặt các hoạt động đột xuất hoặc đi cơ sở của Hội, đảm nhiệm các công việc khi Chủ tịch Hội đi vắng. Mức phụ cấp hiện tại theo chức danh của chị Hoàn là 840.000 đồng/tháng. Theo chị thì “không đủ xăng xe đi lại, tiền điện thoại liên hệ công việc”. Khi biết đến việc sắp tới tăng phụ cấp lên mức 1,4 lần lương cơ sở, tương đương với trên 2 triệu đồng, chị Hoàn vui vẻ chia sẻ: “Nếu chi trả theo mức phụ cấp mới chắc chắn khối lượng công việc cũng sẽ nhiều hơn nhưng ít nhất số tiền có giá trị hơn, giúp được phần nào cho cuộc sống gia đình, thêm động lực cho bản thân cố gắng, tâm huyết và gắn bó với công việc”.

Còn đối với ông Ðỗ Quang Chiến, Chủ tịch Hội CTÐ kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ thì: “Dù tròn 10 năm công tác tại phường, không trông chờ vào đồng phụ cấp, coi đây như hoạt động xã hội, phong trào nhưng việc tăng phụ cấp vẫn vui, cảm thấy không uổng công mình đi lại”. Ông Chiến hiện đang hưởng mức phụ cấp theo chức danh Chủ tịch Hội CTÐ là 1.390.000 đồng/tháng. Từ tháng 4/2019, ông kiêm vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường nhưng chưa có phụ cấp. Sắp tới, theo quy định mới, chức danh Chủ tịch Hội CTÐ sẽ bị xóa bỏ bởi phường Him Lam là đơn vị hành chính cấp xã loại 2, ông Chiến vẫn tiếp tục hoạt động bên mảng MTTQ và hưởng phụ cấp 1,4 lần mức lương cơ sở.

Anh Lò Văn Khụt, Phó Trưởng Công an xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) giải quyết công việc với người dân.

Ðể người “đi”, người “ở” đều đồng thuận

Người “ở lại” - cán bộ KCT tiếp tục công việc và được tăng phụ cấp chắc chắn là vui, người “đi” - các vị trí cắt giảm, phải nghỉ việc thì còn những tâm tư khác nhau. Phần lớn người hoạt động KCT cấp xã là những người đã làm việc lâu năm, đều không sống bằng phụ cấp mà có công việc riêng, trong đó nhiều người đã cao tuổi, là cán bộ nghỉ hưu có lương hàng tháng. Vì vậy họ tham gia hoạt động KCT chỉ vì tâm huyết hoặc trọng trách được cơ sở bầu giữ, không có người thay thế. Nếu các chức danh này không còn nữa, họ như trút được gánh nặng của người “vác tù và hàng tổng”, không còn những lúc bận rộn, áp lực, tập trung chăm lo cho cuộc sống riêng, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên cũng có không ít người hoạt động KCT cấp xã còn rất trẻ, mặc dù chỉ nhận mức phụ cấp ít ỏi nhưng luôn phấn đấu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và nắm bắt cơ hội để được ghi nhận, mong muốn được tuyển dụng chính thức. Trước nguy cơ phải nghỉ việc, họ lo lắng, thất vọng và chông chênh con đường đi phía trước.

Công an xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) hiện có 1 trưởng, 2 phó. Theo Nghị quyết số 14/2019/NQ-HÐND, Công an xã Thanh Chăn sẽ chỉ còn 1 trưởng, 1 phó. Cả 2 đồng chí Phó trưởng công an xã đều mới nhận công tác được vài năm, còn trẻ và có nỗ lực, trách nhiệm với công việc, có bằng cấp, học thức. Hiện 1 người đảm nhiệm mảng hành chính về trật tự xã hội, 1 người phụ trách mảng phòng chống ma túy. Ai phải nghỉ mà không được bố trí công việc khác phù hợp tại xã cũng thật sự đáng tiếc. Anh Lò Văn Khụt năm nay tròn 30 tuổi, đảm nhiệm vị trí Phó trưởng Công an xã Thanh Chăn được 3 năm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh đã vừa học vừa làm, được cấp Bằng Cử nhân Luật để được tin tưởng giao phó công việc này. Khi biết thông tin giảm chức danh người hoạt động KCT, anh Khụt băn khoăn chia sẻ: Tôi và đồng chí cùng cấp luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu với mong muốn được ghi nhận, có một công việc ổn định, lo cho bản thân và gia đình. Bây giờ mà nghỉ việc thì trước mắt chỉ có ruộng vườn chứ tôi chưa biết xin việc ở đâu.

Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn Nguyễn Văn Vĩnh cũng cho biết: Ngoài 1 Phó trưởng công an xã, Thanh Chăn có 6 vị trí người hoạt động KCT phải cắt giảm. Công việc hiện tại của họ sẽ được giao cho các cán bộ công chức đảm nhiệm, như: Mảng giao thông - thủy lợi giao cho cán bộ địa chính - xây dựng, cán bộ nông nghiệp; mảng thương binh - xã hội, quản lý trung tâm văn hóa, đài phát thanh giao cho 2 cán bộ văn hóa - xã hội. Ðối với những người hoạt động KCT trong diện phải nghỉ thì xã chưa có phương án bố trí công việc nào khác. Trong buổi làm việc với Huyện ủy mới đây, xã đã đề nghị lên cấp trên có phương án hỗ trợ, động viên họ trước khi nghỉ. Còn tại phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ), trong các cán bộ KCT phải cắt giảm có 1 cán bộ giao thông - thủy lợi còn rất trẻ và có trình độ chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm. Ông Lò Văn Diên, Chủ tịch UBND phường Him Lam cho biết: Phường có phương án cơ cấu đồng chí này làm Phó Bí thư Ðoàn phường (đang khuyết) để ghi nhận sự cống hiến những năm qua của đồng chí ấy và không lãng phí nhân sự.

Tỉnh ta có 45 đơn vị cấp xã loại 1, 80 xã loại 2, 5 xã loại 3. Theo như Nghị quyết đã ban hành thì dự kiến có khoảng gần 1.000 người hoạt động KCT phải nghỉ việc (nhiều vị trí KCT đã được kiêm nhiệm từ trước). Việc này có thể để lại nhiều tâm tư cho một số người hoạt động KCT. Ông Lê Ðình Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sau khi HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2019/NQ-HÐND, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định của UBND tỉnh nhằm kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết. Ðồng thời hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng phương án bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ người hoạt động KCT cấp xã phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Phương châm phải tính toán kỹ càng, thận trọng, đảm bảo theo quy định hiện hành, làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận và tránh gây xáo trộn tâm lý cho người hoạt động KCT cấp xã sau khi cắt giảm.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top