SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Sợ phê bình và ngại phê bình

09:36 - Thứ Tư, 22/01/2020 Lượt xem: 8491 In bài viết

ĐBP - Ở địa phương N. thời gian qua có tình trạng một số cán bộ, đảng viên làm việc cầm chừng, sợ sai, nể nang, né tránh “dĩ hòa vi quí”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là chưa hiểu đúng, dẫn đến không làm tốt việc “phê bình và tự phê bình”. Thực tế cho thấy, một số cán bộ trong cuộc họp thì không có chính kiến, nhưng lại có ý kiến ngoài cuộc họp tạo nên dư luận phức tạp, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ.

Cũng có thể thấy, việc phê bình và tự phê bình chưa phát huy hiệu quả trong các cuộc họp của cơ quan, đơn vị thậm chí là cả trong sinh hoạt Ðảng. Hoặc có chăng chỉ là cấp trên phê bình cấp dưới, lãnh đạo phê bình nhân viên… Cán bộ trong cùng cơ quan, đơn vị nhưng thấy đồng nghiệp sai mà không muốn hoặc không dám góp ý; mình làm sai cũng không được ai nói cho biết để sửa. Có trường hợp đến khi bị kỷ luật mới biết là mình sai, mình đi chệch hướng trong một thời gian dài mà không ai phê bình, góp ý để kịp thời điều chỉnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc, như thế bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng. Phát hiện càng sớm, điều trị bệnh càng chóng khỏi; để bệnh nặng rất khó chữa, thậm chí có khi không chữa được… Người cũng dạy: Tự phê bình và phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau. Khi thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt, soi mói “bới lông, tìm vết”. Bởi vì có dân chủ mới mong có nhiều sáng kiến, mới tập trung được trí tuệ. Mất dân chủ, khiến cho đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình…           

Sợ bị phê bình và ngại phê bình cũng là khuyết điểm. Thế nhưng, phê bình phải mang tính xây dựng, phê bình như thế nào để người bị phê bình sẵn sàng tiếp thu thì mới có hiệu quả. Với không chỉ địa phương N. mà mỗi địa phương, đơn vị cần nhìn nhận, xem xét lại cơ quan, đơn vị mình nếu còn tình trạng nêu trên thì phải tìm ra giải pháp để khắc phục. Có như vậy thì mỗi cán bộ, đảng viên mới nêu cao được tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, không để tình trạng mất đoàn kết xảy ra.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top