Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020): Trang sử chói lọi, khát vọng hùng cường

Đòn sấm sét ở Tây Nguyên

08:55 - Thứ Ba, 21/04/2020 Lượt xem: 8249 In bài viết

Cách nay 45 năm, từ ngày 4 đến ngày 24-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, tạo sự thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng, lợi thế chiến lược giữa ta và địch. Đòn sấm sét ở Tây Nguyên đã dẫn tới sự sụp đổ có hệ thống về phòng ngự và tinh thần của chính quyền Sài Gòn, tạo bước ngoặt quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

1. Ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp quán triệt và triển khai quyết định của Bộ Chính trị. Trọng tâm cuộc họp bàn về Chiến dịch Tây Nguyên. Các đồng chí dự họp đều nhất trí đánh Buôn Ma Thuột là đòn đột phá bất ngờ đối với địch, sẽ có nhiều khả năng phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch, làm rung chuyển Tây Nguyên, phá vỡ thế trận phòng ngự của địch ở Quân khu 2 (cách đặt tên của chính quyền Sài Gòn ở thời điểm đó), tạo ra thế chiến lược mới để thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương kết luận hội nghị đã xác định rõ khu vực và mục tiêu tiến công, nhiệm vụ của chiến dịch, hướng phát triển, sử dụng lực lượng và gợi ý cách đánh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh đến phương châm: Mạnh bạo, bí mật, bất ngờ.

Về tổng thể, Tây Nguyên thuộc dải đất phía Tây miền Trung Trung Bộ, là vùng cao nguyên, rừng núi nối tiếp nhau theo hướng Bắc - Nam. Đây là vùng đất chiến lược quan trọng, vì vậy đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã biến Tây Nguyên thành một căn cứ chiến lược lớn hòng đè bẹp phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào và từ rừng núi xuống đồng bằng.

Sau khi hạ quyết tâm mở Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Trung tướng Hoàng Minh Thảo được giao trọng trách Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy chiến dịch... Bộ phận đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh do Đại tướng Văn Tiến Dũng chủ trì cũng được đặt tại Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch quan trọng này.

Ngày 23-2-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh chính thức phê chuẩn quyết tâm, kế hoạch của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Đến đây, mọi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành.

Ngày 4-3-1975, ta bắt đầu hoạt động cắt đường số 19, đánh một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh, tạo thế chiến dịch. Sau khi đã hoàn thành việc "bày binh, bố trận", ngày 10-3-1975, ta nổ súng tiến công, đánh đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột. Cuộc tiến công hiệp đồng binh chủng của các đơn vị, nhanh chóng tiêu diệt Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 và Sở Chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk của quân đội Sài Gòn, chiếm tất cả các vị trí trong thị xã, tiêu diệt và bắt làm tù binh toàn bộ quân địch. Tiếp đó, ta nhanh chóng đập tan cuộc phản kích của Quân đoàn 2 địch hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột, diệt Trung đoàn 44 và 45 thuộc Sư đoàn 23.

Thắng lợi của trận đột phá Buôn Ma Thuột và trận đánh thắng cuộc phản kích của Sư đoàn 23 đã đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn đến cảnh cùng quẫn, tan rã nhanh chóng, mở đầu bước suy sụp mới không thể gượng dậy được. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên nhận định: Buôn Ma Thuột bị mất, phương thức phòng thủ thành phố, thị xã của chính quyền Sài Gòn mất hiệu nghiệm. Cuộc phản kích của Sư đoàn 23 là phương thức tích cực nhất trong phòng ngự về chiến dịch nhưng đã bị đánh bại, các căn cứ bàn đạp không còn, nên có thể địch sẽ rút lui khỏi Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng. Và như vậy, trận Buôn Ma Thuột đã vượt ra ngoài phạm vi thắng lợi của một chiến dịch, mang ý nghĩa và tầm vóc lớn, đẩy địch mắc sai lầm về mặt chiến lược.

Đánh giá về trận tiến công Buôn Ma Thuột, Báo Thế giới của Pháp số ra ngày 21-3-1975 viết: "Trong vài ngày, bản đồ quân sự miền Nam Việt Nam đã bị đảo lộn, chỉ có trận Buôn Ma Thuột mà khiến cho từng mảnh cấu trúc do chế độ Thiệu dựng lên bị sụp đổ...".

2. Đúng như nhận định của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, đòn điểm huyệt và đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 khiến địch càng hoảng loạn, đẩy chúng từ sai lầm về chiến dịch tới sai lầm lớn về chiến lược: Rút bỏ Tây Nguyên theo đường số 7 về đồng bằng.

Ngay từ ngày 13-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã dự kiến tình huống địch rút chạy và đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch chuẩn bị kế hoạch đánh địch rút chạy. 19h ngày 16-3-1975, sau khi nhận được điện của Đại tướng Văn Tiến Dũng thông báo địch rút chạy trên đường số 7, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên nhanh chóng hạ quyết tâm sử dụng Sư đoàn 320 truy kích tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy, đồng thời yêu cầu bộ đội địa phương Phú Yên chặn đánh địch ở Củng Sơn. Theo đó, cuộc truy kích của quân và dân ta trên đường số 7 đã xóa sổ Quân khu 2 địch, tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn, giải phóng một địa bàn chiến lược rộng lớn.

Đến ngày 24-3-1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Sau đó, quân ta phát triển chiến đấu xuống vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phối hợp với quân và dân địa phương lần lượt giải phóng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Kết quả, ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 28.000 tên địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe quân sự...

Chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi là biểu hiện sinh động, bước phát triển cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, vì Chiến dịch Tây Nguyên triển khai trong điều kiện lực lượng và thế trận của địch còn nguyên vẹn, tinh thần, ý chí quân đội Sài Gòn tuy có sa sút nhưng vẫn quyết tâm chống cự đến cùng và còn hy vọng giành thắng lợi. Thắng địch trong điều kiện như vậy không phải dễ, ta phải có lực lượng mạnh và nghệ thuật quân sự phát triển đến đỉnh cao, đánh địch thiên biến vạn hóa, xuất quỷ nhập thần mới chiến thắng giòn giã như vậy.

Với đòn sấm sét ở Tây Nguyên, ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở phía Bắc, phá vỡ và chia cắt thế bố trí chiến lược của địch, làm cho quân địch phải co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường; mở ra thời cơ của cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975.

Không dừng lại ở đó, đòn sấm sét ở Tây Nguyên còn đẩy đối phương vào thế bị động, lúng túng, tác động đến tinh thần binh sĩ địch trên khắp chiến trường; ngược lại đã cổ vũ, động viên tinh thần, khí thế tiến công của quân và dân ta ở tiền tuyến và hậu phương; củng cố quyết tâm chiến đấu và lòng tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào thắng lợi cuối cùng.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn cảnh và điều kiện của ta đã khác nhiều so với các cuộc kháng chiến trước đây. Ta đã có thế và lực mạnh hơn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, chiến tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), ta vẫn ở trong hoàn cảnh nhỏ thắng lớn, yếu chống mạnh... và Tây Nguyên vẫn được xác định là địa bàn chiến lược trọng yếu. Do đó, chúng ta cần tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật đang đặt ra cả trước mắt cũng như lâu dài. Những kinh nghiệm quý được đúc kết từ Chiến dịch Tây Nguyên 45 năm về trước sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như trong xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

THƯỢNG TÁ ĐỖ MẠNH CƯỜNG

(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

(Còn nữa)

Theo HNM
Bình luận
Back To Top