Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Hà Nội

10:31 - Thứ Sáu, 08/05/2020 Lượt xem: 9407 In bài viết

Sáng 8-5, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì khai mạc phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, đây là phiên họp cuối để chuẩn bị nội dung trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian làm việc của phiên họp thứ 45 tuy ngắn (3 ngày) nhưng có nhiều nội dung quan trọng, do đó đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát chương trình nội dung đã chuẩn bị; các cơ quan của Chính phủ, cơ quan liên quan khẩn trương, tích cực bảo đảm chất lượng những nội dung để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những nội dung không chuẩn bị kịp để xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này sẽ không được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo chuẩn bị kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV; dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV; dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ngoài ra, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, cho ý kiến về một số nội dung sau đây: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số chính sách đặc thù khác; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến Bắc - Nam phía Đông; một số nội dung khác trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự do các cơ quan chuẩn bị nếu có đủ điều kiện.

Ngay sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top