Xây dựng Đảng về tổ chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

14:30 - Thứ Tư, 13/05/2020 Lượt xem: 8529 In bài viết

Xây dựng Đảng về tổ chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Vấn đề này được Đảng ta kiên trì thực hiện, đặc biệt là từ khi thành lập nước năm 1945 đến nay và ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Quang cảnh hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", năm 2019.

1. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng phải luôn là một khối đoàn kết, thống nhất về mọi mặt; trong đó sức mạnh của Đảng chính là sức mạnh của tổ chức chặt chẽ, có tính kỷ luật cao từ Trung ương đến cơ sở, từ các cơ quan nhà nước đến các đoàn thể chính trị - xã hội. Do đó, xây dựng Đảng về tổ chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhằm tạo ra sự khoa học, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị, bảo đảm tổ chức bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả, luôn đổi mới, chỉnh đốn cho phù hợp thực tiễn: “Chính quyền và đoàn thể (Đảng) cũng cần thường xuyên rửa các bộ máy của mình, để tẩy trừ những phần tử bất chính, đầu cơ và chỉnh đốn lại cách làm việc cho gọn gàng, mau chóng”. Trong đó, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ. Đảng không bao biện, làm thay Nhà nước; mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị phải phát huy một cách tự giác, đầy đủ nhất vai trò của mình. Vì thế, công tác xây dựng Đảng về tổ chức có mối liên hệ gắn bó, không thể tách rời với hệ thống chính trị, với việc nâng cao chất lượng của các tổ chức trong hệ thống chính trị; trong đó, có các tổ chức quần chúng như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ…

Xây dựng Đảng về tổ chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải theo nguyên tắc bảo đảm tính hệ thống, sự vận hành hiệu quả của hệ thống tổ chức; sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Mọi hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ… Vì thế, để bộ máy hoạt động có hiệu quả, Người yêu cầu phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức và mỗi vị trí công tác của cán bộ và đó chính là cơ sở để mỗi tổ chức, cán bộ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, yêu cầu mỗi cấp ủy, cơ quan tổ chức cán bộ phải bố trí đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường: “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”…

Trong hệ thống tổ chức của Đảng, chi bộ chính là một tổ chức hạt nhân, nơi rèn luyện, đồng thời là nơi giám sát đảng viên: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng, là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”, là nơi trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ Đảng. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở. Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải làm tròn những nhiệm vụ chủ yếu; trong đó có: Phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng. Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng... Hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân... Gương mẫu trong lao động sản xuất, trong công tác… trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể; thực hành tiết kiệm, tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô…

Trong hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã luôn coi trọng nội dung xây dựng Đảng về tổ chức. Đó chính là xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở một cách khoa học, đồng bộ, tinh gọn và hiệu quả; là xây dựng mỗi tổ chức cơ sở Đảng - chi bộ trong sạch, vững mạnh đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng giao phó; là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

2. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, để bộ máy vận hành có hiệu quả, không có sự chồng lấn về nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh và yêu cầu phải “chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành… Chỉnh đốn các đoàn thể quần chúng… Muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Phải nêu ra những việc chính, nắm lấy đó mà làm”. Khi miền Bắc đang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nói về tình trạng tổ chức bộ máy cồng kềnh, tại Hội nghị ngày 11-1-1962, Người chỉ rõ: “Từ các bộ, ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và ngày càng phình ra. Vì vậy, sinh ra quan liêu, lãng phí. Một nhược điểm nữa là từ các cơ quan trung ương đến các địa phương chưa thật nhất trí, trên dưới chưa thật thông suốt, đang còn khuynh hướng cục bộ, bản vị” và yêu cầu phải triển khai việc tinh gọn bộ máy, sửa đổi lối làm việc trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng vận hành bộ máy…

Những năm sau đó, nội dung xây dựng Đảng về tổ chức đều được khẳng định trong văn kiện mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Thời kỳ đổi mới, đứng trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần phải đổi mới hoạt động của Đảng theo hướng bảo đảm bộ máy tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả gắn với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành… Thực hiện chủ trương quản lý biên chế thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị… Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp”…

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng Đảng về tổ chức được triển khai sâu rộng ở tất cả các cấp; trong đó, việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo Ban Tổ chức Trung ương, tính đến hết năm 2019, toàn hệ thống chính trị đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 61 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 485 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương; 87 cục, vụ, 73 đơn vị sự nghiệp thuộc ban, bộ, ngành trung ương; gần 2.500 phòng và tương đương; hơn 2.100 đội thuộc chi cục; giảm hơn 4.100 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hơn 2.200 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó.

Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” cũng giảm được khoảng 97.900 cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nổi bật là việc thí điểm hợp nhất một số ban Đảng với cơ quan chính quyền có tương đồng về nhiệm vụ ở cấp huyện đã phát huy hiệu quả bước đầu.

Thiết thực vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong xây dựng Đảng về tổ chức, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Hai là, đánh giá đúng thực trạng, những ưu điểm và hạn chế từ mô hình tổ chức đến phương thức hoạt động để tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở.

Ba là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng; tiếp tục đổi mới công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với đổi mới phong cách công tác của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong mọi mặt công tác…

TIẾN SĨ Văn Thị Thanh Mai

 (Còn nữa)

Theo HNM
Bình luận
Back To Top