Giản dị - Đặc trưng nổi bật của phong cách Hồ Chí Minh

15:05 - Thứ Sáu, 15/05/2020 Lượt xem: 7866 In bài viết

Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là giải pháp chiến lược, lâu dài để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, tấm gương giản dị của Người mãi là mạch nguồn tươi mới, đồng thời là đặc trưng nổi bật của phong cách Hồ Chí Minh mà các thế hệ ngày nay cần noi theo.

1. Hồ Chí Minh là biểu tượng cao quý nhất, tấm gương sáng cho muôn đời, cho mọi thế hệ về lòng yêu nước, thương dân - Ái Quốc, Ái Dân như tên gọi của Người đã trở thành huyền thoại về bậc vĩ nhân, về một con người vĩ đại, cao thượng mà vô cùng giản dị.

Bởi thực sự vĩ đại nên vô cùng giản dị, càng giản dị bao nhiêu Người càng trở nên vĩ đại bấy nhiêu. Là lãnh tụ vĩ đại, đứng đầu Đảng và Nhà nước mấy chục năm, vậy mà cuộc sống của Người vẫn như cuộc sống của người dân thường - đạm bạc, tiết kiệm, tiết kiệm đến mức khắc khổ, bởi thương dân, vì dân và để nêu gương cho mọi người. Bộ quần áo ka ki đã sờn, đôi dép cao su trường chinh vạn dặm, tủ áo đơn sơ với quần nâu áo vải, căn phòng nhỏ, chiếc giường cá nhân, chiếu mộc, chăn đơn, gối chiếc, một đời không chút riêng tư, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư cho hạnh phúc của toàn dân. Trên giường của Bác còn để hai chiếc quạt - quạt mo cau của Tỉnh ủy Nghệ An biếu lần Bác về thăm quê và chiếc quạt lá cọ Tỉnh ủy Phú Thọ biếu để Người nhớ kỷ niệm kháng chiến vùng trung du. Trên bàn làm việc của Bác, có một ống bơ sữa bò dùng làm hộp đựng bút.

Có lãnh tụ, vĩ nhân nào trên thế giới đã sống và sinh hoạt hằng ngày như Bác của chúng ta? Bao nhiêu người đã từng đến đây từ mọi miền đất nước, từ khắp các nước để chiêm ngưỡng một con người, để hiểu một cuộc đời, để cảm nhận một sự nghiệp tỏa sáng - Hồ Chí Minh. Bao nhiêu người đã khóc, từ em nhỏ tới người lớn, từ người dân thường đến các học giả, các chính khách, các tướng lĩnh ở muôn nơi - những giọt nước mắt của lòng kính trọng và biết ơn, của sự ngưỡng mộ và tự hào về Hồ Chí Minh - con người đã đi trọn lô gích của cuộc đời, toàn vẹn, dấn thân trong cần lao tranh đấu cho dân tộc và nhân loại, để dâng hiến, hy sinh đến mức hóa thân vào nhân dân. Khi trút hơi thở cuối cùng, trên ngực áo của Người không một tấm huân chương, bởi Hồ Chí Minh xa lạ với cao sang quyền quý, bởi Người không màng danh lợi, suốt đời ở ngoài vòng danh lợi và còn bởi Người là mẫu mực tuyệt vời trong sáng của đức khiêm nhường, lòng nhân ái vị tha.

Từ chối mọi huân chương, phần thưởng, Người nói rằng, Người chưa xứng đáng. Khi đất nước còn chia cắt, Bắc - Nam chưa sum họp một nhà, Người ăn không ngon, ngủ không yên. Biết rõ sự hữu hạn của đời người, Người đã dồn hết tâm sức, trí lực, cả tình thương yêu và trách nhiệm cho nước, cho dân. Mười năm cuối đời, Bác Hồ của chúng ta dù tuổi cao sức yếu mà vẫn đến với nhân dân, nhất là nông dân ở nông thôn tới 700 lần, ân cần chu đáo tỉ mỉ để thấu hiểu đời sống của dân, để thấu cảm tâm trạng, nguyện vọng lòng dân. Trí tuệ Người vẫn sáng suốt, minh mẫn. Người viết bức thư để lại cho dân, cho Đảng vào đúng dịp sinh nhật 75 tuổi. Người sửa lần cuối cùng “Những lời để lại” mà ta gọi là Di chúc vào tháng 5-1969.

Bốn tháng sau, Người vĩnh biệt toàn dân, toàn Đảng về với tổ tiên, đi vào cõi vĩnh hằng. Ra đi, Người chỉ có một điều tiếc nuối “không được phục vụ Tổ quốc và nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Sự cao thượng đó kết tinh tất cả Tư tưởng - Đạo đức và Phong cách của Người. Đó là tài sản thiêng liêng, vô giá Người trao gửi lại cho Đảng, cho dân. Với Hồ Chí Minh, tư tưởng bao hàm cả phương pháp, tư tưởng gắn liền với đạo đức; đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lối sống và bản lĩnh “vô ngã vị tha” đã trở thành động lực thúc đẩy mọi hành động, biến tư tưởng thành hiện thực của Người. Những điều cao quý ấy lại được biểu hiện và định hình trong phong cách Hồ Chí Minh với đặc trưng nổi bật là sự giản dị.

Bởi vậy, nếu cảm nhận thật đầy đủ, nhận thức thật đúng đắn, sâu sắc phong cách Hồ Chí Minh thì chúng ta sẽ lĩnh hội được chiều sâu tư tưởng của Người, sẽ thụ cảm được chân thực và tinh tế nhất nguồn sáng từ viên ngọc quý đạo đức Hồ Chí Minh, lan tỏa đến mọi người, mọi việc, ở mọi nơi, mọi lúc. Phong cách Hồ Chí Minh là nơi hội tụ và kết tinh tư tưởng - phương pháp - đạo đức của Người, là giá trị đặc sắc, riêng có ở Hồ Chí Minh, một “cái tôi” cá thể, bản thể và bản ngã của Hồ Chí Minh hòa vào trong “cái chúng ta”, trở thành biểu tượng và khát vọng vươn tới của cái chung, của tất cả mọi người, từ Việt Nam trong thời đại mang tên Người - thời đại Hồ Chí Minh đến thế giới nhân loại.

2. Giản dị là đặc trưng nổi bật, bao trùm phong cách Hồ Chí Minh. Giản dị thấm nhuần trong toàn bộ ý nghĩ, việc làm, giao tiếp, ứng xử của Người, trở thành một thói quen, một lối sống, một nhu cầu tu dưỡng đạo đức, nhuần nhuyễn, tự nhiên, hồn nhiên, không một chút nào khiên cưỡng, gượng ép. Cách nói giản dị của Người thấm vào muôn vạn lòng người. Đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Bác Hồ dừng lại và hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Cả một biển người ngày ấy hô vang tiếng “Rõ”. Không còn khoảng cách nào giữa lãnh tụ và người dân nữa qua cử chỉ đó của Người.

Bài thơ xuân năm 1969, năm cuối cùng, lần cuối cùng chúng ta có thơ mừng Xuân của Bác, có những vần thơ mang âm hưởng của một thông điệp, vạch ra cả một lộ trình tiến tới mục tiêu trọn vẹn: “Vì độc lập vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”. Phải nghiền ngẫm kỹ những câu thơ ấy mới thấy hiển lộ chủ nghĩa nhân văn cao cả trong chính trị và trong điều hành chính sự của Người. Càng ít đổ máu càng tốt, không đổ máu là tốt nhất. Chỉ đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ để nó phải cút đi, đánh đổ ngụy quyền tay sai để giang sơn thu về một mối, để Nam Bắc sum họp một nhà - điều khắc khoải chờ mong thương nhớ những năm cuối cùng của Bác.

Với cán bộ, đảng viên, công chức, Người luôn căn dặn đức là gốc, phải rèn luyện đủ đức, đủ tài, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Những lời lẽ giản dị của Người đã có sức cảm hóa, thức tỉnh lương tâm, danh dự của mỗi người: “Tiền Chính phủ trả lương cho công chức lấy từ những đồng tiền đóng thuế của dân. Làm việc lười biếng, cẩu thả, tắc trách, là lừa gạt dân chúng”. Đủ hiểu vì sao Người đòi hỏi nghiêm khắc trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, làm việc gì, ở cương vị nào. Người nêu rõ yêu cầu tiêu chuẩn công chức phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, đề cao kỷ luật công vụ và đạo đức công chức để tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Vào lúc này, những chỉ dẫn đó của Người, phong cách làm việc, phong cách phục vụ dân của Người vẫn còn nguyên giá trị, vẫn nóng hổi tính thời sự…

Phong cách giản dị của Hồ Chí Minh qua lời văn, lời nói cho ta nhận ra bản lĩnh của Người: Đem cái tối thiểu của ngôn từ để tải cái tối đa của tư tưởng và đạo đức. Với Hồ Chí Minh, chữ thì ít nhất mà nghĩa thì nhiều nhất. Di chúc 1.000 từ là một minh chứng điển hình.

Rõ ràng, giản dị là đặc trưng nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh, bao trùm trong tư tưởng, đạo đức và định hình ở phong cách của Người, nhất là phong cách ứng xử mẫu mực, tinh tế, thấm nhuần đức khoan dung, lòng nhân ái vị tha của Người. Hồ Chí Minh là giản dị chứ không hề giản đơn. Trải nghiệm cuộc sống thực tế, thấu hiểu cuộc sống với nỗi đau nhân thế, tích lũy tri thức, kinh nghiệm, vốn sống, Người đi qua sự phong phú, sâu sắc của trường đời để biểu hiện thành sự giản dị, chứ không bao giờ giản đơn như có người lầm tưởng. Như một danh ngôn đã nói, giản dị là nỗ lực cao nhất của bậc thiên tài. Bác Hồ là như vậy, “vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh”, là niềm tự hào và hạnh phúc của chúng ta.

Cũng bởi thế, với mỗi người Việt Nam, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa là niềm tự hào, vừa là tâm nguyện trong sáng vươn lên trong đạo làm người.

GS.TS HOÀNG CHÍ BẢO

(Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương)

 (Còn nữa)

Theo HNM
Bình luận
Back To Top