Kỷ niệm 61 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2020):

Biểu tượng của ý chí thống nhất đất nước

09:25 - Thứ Ba, 19/05/2020 Lượt xem: 7037 In bài viết

Cách nay 61 năm, ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đó là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hơn nữa, đó chính là biểu tượng của khát vọng độc lập và thống nhất đất nước.

Đoàn 559 tổ chức vận chuyển bằng xe cơ giới trên đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

Kỳ tích từ khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước

Kể từ khi ra đời cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài đường bộ gần 17.000km; đường giao liên dài hơn 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km…

Với sự phát triển mạnh mẽ đó, sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng. Nếu 6 tháng cuối năm 1959, khi đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mới hình thành, với phương thức gùi bộ là chủ yếu, Đoàn 559 (thành lập ngày 19-5-1959; sau này là Binh đoàn Trường Sơn) mới vận chuyển được 32 tấn vũ khí, thì trong 2 năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, lượng hàng giao cho các chiến trường và bảo đảm hành quân là hơn 403.300 tấn.

Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho chiến trường hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn; đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có nhiều thương, bệnh binh...

Trong quá trình đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn Đông Dương, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không ngừng được củng cố, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong kháng chiến, tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam (cả Đông và Tây Trường Sơn) đã xuyên qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn, bền vững. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã thể hiện được mối quan hệ, liên minh đoàn kết chiến đấu tốt đẹp chống kẻ thù chung của 3 nước Đông Dương...

Dư luận phương Tây, trong đó có cả các tướng lĩnh, học giả “một thời đứng phía bên kia chiến tuyến” đã có nhiều đánh giá về con đường này, trong đó nhấn mạnh: Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là sản phẩm kỳ diệu của tài năng, sự kiên nhẫn và sự hy sinh không bờ bến của con người. Đó không chỉ là con đường cụ thể mà là một luồng tư tưởng, kết tinh lịch sử đấu tranh mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, biểu hiện của ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của người Việt Nam.

Con đường hướng tới tương lai

Có thể nói, những chiến công và kỳ tích trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí dời non, lấp biển của dân tộc Việt Nam. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một “kỳ tích của thế kỷ XX”, thể hiện khát vọng độc lập và thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, là biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.       

Nếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của khát vọng độc lập và thống nhất đất nước thì trong thời bình, chúng ta một lần nữa khơi dậy tiềm lực to lớn của “con đường huyền thoại”, đưa con đường chiến thắng năm xưa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhận thức vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến đường, những năm qua đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước đầu tư rất lớn, là công trình xuyên suốt chiều dài đất nước, là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Con đường chạy đến đâu khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội đến đó, đồng thời phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 1. Con đường này còn tạo điều kiện bảo đảm an sinh xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, dọc theo tuyến đường, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng.

Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, để phát huy kỳ tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong thời bình cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm bảo vệ Tổ quốc đã được các kỳ đại hội Đảng thông qua, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”, “Chiến lược quân sự Việt Nam”, “Chiến lược an ninh quốc gia”, Nghị quyết 33-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (ngày 28-9-2018) về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang nói chung và các đoàn kinh tế - quốc phòng trên dải Trường Sơn nói riêng cần tập trung mọi khả năng để xây dựng, phát triển về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội, xứng đáng với tầm vóc, vị thế của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top