Thống nhất phân bổ vốn viện trợ và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018

10:09 - Thứ Sáu, 19/06/2020 Lượt xem: 6541 In bài viết

Chiều 18-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với 93,17% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Kết quả biểu quyết phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Quốc hội đã quyết nghị phân bổ 5.370.580 triệu đồng vốn viện trợ không hoàn lại của ngân sách trung ương năm 2018 cho các bộ, cơ quan trung ương; điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2018 của Bộ Tài chính với số tiền 1.991.061 triệu đồng.

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.880.029.177 triệu đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2017, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.869.791.887 triệu đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019. Bội chi ngân sách nhà nước là 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% tổng sản phẩm trong nước, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 1 về phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại và điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 và Điều 2 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Sau đó, với 92,75% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với quy mô 11 chương 101 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Luật này quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật áp dụng đối với các bên trong hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Kết quả biểu quyết Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Luật quy định các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Giao thông, vận tải; lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền quản lý theo quy định của Luật Điện lực; thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.

Về cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu dự án PPP, Luật quy định, khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính. Khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế...

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 nội dung trong dự thảo Luật.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top