Bế mạc kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

10:45 - Thứ Hai, 22/06/2020 Lượt xem: 5495 In bài viết

Chiều 19-6, sau 19 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của kỳ họp thứ chín.

Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí  Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội...

Kỳ họp bảo đảm chất lượng, hiệu quả, hoàn thành toàn bộ nôi dung chương trình

Phát biểu bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới với tinh thần trách nhiệm cao, chất lượng, hiệu quả và kết thúc thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Trong đó, đánh giá bổ sung về kết quả năm 2019, Quốc hội nhận định, năm qua mặc dù còn khó khăn, song nước ta đã đạt được kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, tạo tiền đề thuận lợi để bước vào năm 2020. Tuy vậy, trong những tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, kinh tế thế giới lâm vào suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Trước những khó khăn, thách thức đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã chủ động đưa ra các quyết sách kịp thời, phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh giúp nước ta cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, đồng thời, vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, thiết bị, vật tư y tế với các nước, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ niềm vui và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ, tuy đây là lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến liên tục trong nhiều ngày nhưng kỳ họp đã diễn ra thông suốt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tổng thời gian làm việc của cả 2 đợt họp chỉ kéo dài trong 19 ngày, ngắn hơn so với các kỳ họp trước nhưng vẫn hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, trong đó có những nội dung cấp bách, quan trọng. Việc tổ chức thành công kỳ họp tạo niềm tin, động lực để tiếp tục cải tiến, đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.

Ngay sau bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu nhân dân…

Thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Trong phiên làm việc cuối cùng trước khi bế mạc kỳ họp, với 91,72% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Nghị quyết nêu rõ, kỳ họp đã thành công tốt đẹp và hoàn thành toàn bộ chương trình với các nội dung được xem xét, quyết định, gồm: Thông qua 10 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật và xem xét các báo cáo quan trọng khác.

Quốc hội giao Chính phủ chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế; tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu, tiết giảm chi ngân sách nhà nước, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.

Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả và báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh này.

Bên cạnh đó, Chính phủ chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020, đồng thời tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.

Chính phủ cũng được giao kết thúc việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và Nghị quyết số 74/2018/QH14, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV kể từ ngày 1-7-2020 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 51/2019/QH14 có hiệu lực.

 

Thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 21 thành viên

Cùng ngày, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo, thông tin về kết quả kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV và công bố Nghị quyết số 118/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

Nghị quyết số 118/2020/QH14 quyết nghị, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 21 thành viên, do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trả lời vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm về việc chất vấn bằng văn bản tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến nay, đã có 42 văn bản chất vấn các bộ trưởng được các đại biểu gửi về.

Về công tác tổ chức họp trực tuyến, 74% đại biểu Quốc hội nhất trí tiếp tục duy trì hình thức họp này. Văn phòng Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ mười về việc duy trì hình thức họp trực tuyến và tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ các kỳ họp Quốc hội.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top