SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

“Ðộng thổ” thì chẳng thấy mời...

08:46 - Thứ Tư, 01/07/2020 Lượt xem: 5981 In bài viết

ĐBP - Sau buổi hòa giải tranh chấp đất đai, mấy ông bà trong tổ hòa giải bản Q. về nhà tổ trưởng trò chuyện, rút kinh nghiệm. Nắng nôi mệt mỏi, nhưng các thành viên khá hài lòng vì đã hòa giải thành công vụ việc. Song câu nói của bà M. khiến câu chuyện chuyển sang hướng mới.

Bà M. bảo: Không thể tránh khỏi va chạm; vì trong gia đình nhiều khi còn xô xát, mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi, huống hồ là cả cộng đồng dân cư. Cũng vì thế mà công tác hòa giải, tổ hòa giải luôn phải cố gắng để làm tốt nhất nhiệm vụ. Tuy nhiên tôi thấy rằng, để không phát sinh nhiều vụ việc cần phải hòa giải và khi có thì cũng thuận lợi, hiệu quả hơn trong tháo gỡ, cần sự quan tâm từ nhiều phía. Sự quan tâm này cần đến từ không chỉ cấp ủy, chính quyền mà còn cả các tổ chức, doanh nghiệp khác nữa. Ðối tượng được quan tâm cũng không phải chỉ có tổ hòa giải mà luôn có MTTQ, các hội đoàn thể. Bà M. phân tích, trong nhiều năm được tín nhiệm là thành viên tổ hòa giải, có những lúc thấy chạnh lòng vì chỉ khi nào “có vấn đề” - tranh chấp, cần cưỡng chế, tuyên truyền vận động chấp thuận thay đổi mới nhớ đến tổ hòa giải... Tham gia khi vụ việc ở giữa chừng, các bên đã mất thiện cảm, niềm tin với nhau, làm cho việc tìm “tiếng nói chung” của tổ hòa giải vất vả hơn nhiều.

Ðồng tình với quan điểm của bà M. có thành viên chia sẻ: Với nhiều vụ việc, đợi đến lúc “có vấn đề” rồi mới tìm hướng tháo gỡ là chưa phù hợp; nhất là với các chương trình, dự án liên quan đến đất đai, quyền lợi kinh tế... Sự đồng hành, vừa để tiếp nhận, tuyên truyền phổ biến, là cầu nối chủ động tích cực giữa các bên, tháo gỡ vướng mắc kịp thời, thì sự bất đồng, xung đột dẫn đến tình huống cần phải hòa giải đương nhiên sẽ giảm.

Hài hước, nhẹ nhàng hơn, ông S. nói: Tóm lại, đừng để dân nói vui về tổ hòa giải ở bản ta là “Ðộng thổ” thì chẳng thấy mời//Tới khi “động đất” (không đồng thuận) ời ời gọi ra...

Bấy lâu có chút băn khoăn vì ngại bị hiểu lầm đòi hỏi quyền lợi, song sau buổi nói chuyện, bà M. đã thoải mái hơn. Bà quyết định sẽ nêu vấn đề trong kỳ sinh hoạt sắp tới để chi bộ cùng cho ý kiến. Dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và có vai trò vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã nói “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công...”. Bà M. cũng mong, cùng với cả hệ thống chính trị, tổ hòa giải sẽ góp phần để đời sống người dân ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top