VẤN ÐỀ TUẦN NÀY

Lấy phòng ngừa là chính

08:47 - Thứ Năm, 02/07/2020 Lượt xem: 6464 In bài viết

ĐBP - Tây Bắc nói chung, Ðiện Biên nói riêng đang vào mùa mưa lũ. Do đặc thù về điều kiện địa lý, nhiều sông suối độ dốc lớn, núi cao, lượng mưa tập trung vào từ tháng 5 - 9 lớn, có những trận mưa cục bộ kéo dài nhiều giờ đồng hồ, gây lũ ống, lũ quét, phá hủy tài sản, nhà cửa, công trình giao thông, thủy lợi... của nhà nước và nhân dân. Với lũ ống, lũ quét, thường cuốn trôi mọi thứ, kể cả những hòn đá to như con trâu mộng nằm trên đường đi của nó. Nói thế để thấy rằng, thiên tai, lũ lụt rất nguy hiểm, tàn khốc, thường gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, thiên tai đã gây thiệt hại tài sản: Nhà cửa, hoa màu, trường lớp học, giao thông, kênh mương thủy lợi... khoảng 72 tỷ đồng. Thông tin có được, năm nay mới vào đầu mùa mưa, nhưng thiệt hại do thiên tai đã cao hơn năm ngoái. Năm 2019, tổng thiệt hại do thiên tai khoảng 50 tỷ đồng. Ðáng nói, thiên tai, mưa lũ năm 2019 đã làm 7 người chết, 1 người bị thương. Tại xã Phình Giàng, huyện Ðiện Biên Ðông chỉ trong chốc lát, mưa lũ cuốn trôi cả hai cháu nhỏ, mấy ngày hôm sau mới tìm thấy thi thể.

Bây giờ mới đầu tháng 7, nghĩa là còn khoảng gần 3 tháng nữa, mùa mưa mới kết thúc. Và như dự báo của các cơ quan chuyên môn, thì tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường và đã không tuân theo quy luật như trước đây.

Thực tế, với rất nhiều gia đình bị thiệt hại nặng về nhà cửa, ao cá, hoa màu, thậm chí chết người trong mấy năm gần đây là do họ sinh sống, sản xuất tại những nơi thiếu an toàn. Bà con thường dựng nhà bên vách núi cao, địa chất thiếu bền vững; làm ao ven các khe suối có độ dốc lớn, mùa mưa nước chảy xiết. Sau nhiều ngày mưa, đất ngấm đủ nước, nhão ra, rất dễ gây sụt sạt, đổ xuống nhà dân, nhẹ thì xê dịch, xô nghiêng nhà cửa, nặng thì vùi lấp nhà, đè chết người.

Do phong tục, tập quán sản xuất trên nương, bà con thường ngủ lại qua đêm để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trông nom ao cá... Nên khi xảy ra lũ ống, lũ quét thường không kịp trở tay, bao nhiêu tài sản tích cóp trôi theo dòng nước.

Cá biệt có nhóm dân cư, cụm bản nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Chính quyền địa phương đã kiểm tra, khảo sát, đánh giá nguy cơ có thể xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng do chưa có điều kiện để bố trí tái định cư tập trung, bố trí đất ở xen ghép tại nơi an toàn hơn cho bà con nên nguy cơ vẫn luôn rình rập. Thống kê cho thấy, từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.470 hộ dân cần bố trí, sắp xếp ổn định để phòng tránh thiên tai. Giai đoạn trước đó, mỗi năm có hàng trăm hộ cần được di chuyển để đảm bảo an toàn cuộc sống, tính mạng. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí có hạn, nên việc di chuyển, tái định cư cho người dân vùng thiên tai, nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt, vùng cảnh báo nguy hiểm không dễ thực hiện.

Cổ nhân có câu: Còn người là còn của. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, sở ngành liên quan và mỗi người dân hãy nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động thích ứng và đối phó hiệu quả với thiên tai, bão lũ. Trong điều kiện nguồn kinh phí chi cho công tác phòng, chống thiên tai; khắc phục sự cố thiên tai còn hạn chế thì cần đề cao phương án “Lấy phòng ngừa là chính”. Với người dân, hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Những tháng mùa mưa, dịp mưa nhiều, bà con không nên ngủ lại qua đêm trên lán nương, bên các ao cá để tránh lũ ống, lũ quét. Với cụm dân cư, nhóm hộ trong vùng nguy cơ sạt lở, chủ động di dời đến nơi ở tạm, an toàn hơn như: Trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế... Tại các ngầm, tràn, khe, suối... khi nước dâng cao, chảy xiết, bà con không nên vượt qua bằng mọi giá. Không nên vớt củi, bắt cá ven sông, suối khi nước dâng cao, đổ như thác. Công tác dự báo tình hình thiên tai, mưa lũ cũng cần kịp thời, chính xác và cụ thể hơn. Trong tình huống cấp bách, việc di chuyển dân từ vùng sạt lở đến nơi an toàn cần chỉ đạo quyết liệt, riết róng. Nếu bà con cố tình chây ỳ thì sử dụng các biện pháp mạnh, kể cả cưỡng chế. Thực tế thời gian qua, đã có một số hộ dân được chính quyền địa phương cảnh báo, yêu cầu di dời để tránh lũ ống, lũ quét, sạt núi... nhưng họ chần chừ, không nghe và hậu quả để lại rất nặng nề.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top