Huy động mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế

08:50 - Thứ Hai, 10/08/2020 Lượt xem: 6836 In bài viết

ĐBP - Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé đã chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, huy động mọi nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc...

Đại diện lãnh đạo tỉnh và huyện Mường Nhé kiểm tra mô hình trồng cây mắc ca tại xã Sen Thượng. Ảnh:  Sầm Phúc

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, huyện Mường Nhé đã đạt được thành tựu đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn Mường Nhé, như: Chương trình 134; 135/CP; Nghị quyết 30a; Chương trình giảm nghèo bền vững; Đề án 79... Đến năm 2020, giá trị sản xuất khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 380,4 tỷ đồng, tăng 119,18 tỷ đồng so với năm 2015; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 400,5 tỷ đồng. Là huyện có diện tích đất nông - lâm nghiệp rộng, huyện đã tập trung tổ chức sản xuất nông - lâm, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng; thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đủ cây con giống, nông cụ sản xuất để bà con phát triển sản xuất, hình thành các trang trại, gia trại, vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp... Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo từ gần 80% (năm 2015) xuống còn 58,43%.

Triển khai thực hiện Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên”, huyện Mường Nhé đã tích cực phối hợp, đề xuất, kiến nghị với tỉnh, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ người dân. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ các hộ dân về đời sống, sản xuất, bố trí đất ở, đất sản xuất... cho 31 điểm bản của Đề án. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay huyện đã thực hiện bố trí, sắp xếp được 1.252/1.079 hộ; tiến hành thu hồi 1.343ha, bố trí đất ở cho 634 hộ với diện tích 107ha, đất sản xuất 528 hộ, diện tích 1.236ha. Ngoài ra, huyện đã đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng 80 công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và nhu cầu đời sống nhân dân; thực hiện điều chỉnh, bổ sung, sắp xếp, ổn định dân cư, hỗ trợ nhà ở cho nhân dân tại các điểm bản khó khăn. 

Bước vào năm 2020, thực hiện Kế hoạch số 87-KH/TU của Tỉnh ủy về “Chủ trương hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo huyện Mường Nhé”, huyện đã phối hợp với các đơn vị, lực lượng, hoàn thành chương trình đúng kế hoạch. Đến nay, 1.149/1.149 ngôi nhà cần làm mới và cải tạo, sửa chữa đã được hoàn thiện, bàn giao cho người dân vào sinh sống.

Kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình thủy lợi tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. 9/11 xã có đường đến trung tâm xã được rải nhựa và bê tông hóa. Cơ sở vật chất phục vụ y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2016 - 2020 huyện đã huy động, bố trí lồng ghép các nguồn vốn được 1.130,9 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân... Dự ước đến cuối năm 2020, huyện có 3 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (bình quân đạt 10,5 tiêu chí/xã, vượt 2,8 tiêu chí so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020).

Bước vào nhiệm kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường Nhé quyết tâm phấn đấu nâng tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 17.900 tấn, tốc độ phát triển đàn gia súc bình quân 4%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 8,42%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 10%, đến năm 2025 đạt 12,24 tỷ đồng trở lên; có 2 xã đạt chuẩn, 4 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới...

Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện Mường Nhé xác định nhiệm vụ tiên quyết là triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành. Trọng tâm là Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án “Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, tập trung đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, giải quyết việc làm, ổn định dân cư... Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở, tiềm năng sẵn có huyện tích cực thử nghiệm, ứng dụng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng từng khu vực. Đồng thời, chú trọng hình thành, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, có kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ nông - lâm nghiệp vào đầu tư để thúc đẩy phát triển cây công nghiệp: Mắc ca, cao su, cây dược liệu dưới tán rừng... tập trung quản lý, bảo vệ tốt 82.890,41ha rừng hiện có gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Đối với việc phát triển ngành thương mại, dịch vụ và du lịch, trên cơ sở tiềm năng lợi thế về du lịch trải nghiệm (Lối mở A Pa Chải) huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh liên kết hình thành các tour du lịch, đẩy mạnh giao thương hàng hóa, du lịch qua lối mở... Đầu tư xây dựng một số bản văn hóa tiêu biểu gắn với du lịch văn hóa, cộng đồng. Đặc biệt, huyện tích cực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững; tập trung các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng KT - XH; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với các sản phẩm từ nông nghiệp, chăn nuôi... Phấn đấu đưa huyện Mường Nhé phát triển về kinh tế, ổn định về an ninh, chính trị nơi biên cương cực Tây Tổ quốc.

Vùi Văn Nguyện

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé

Bình luận
Back To Top