Cùng suy ngẫm

“Thụ hưởng” hay “hưởng thụ”

09:15 - Thứ Tư, 30/09/2020 Lượt xem: 5940 In bài viết

ĐBP - Những chiếc điện thoại thông minh còn mới nguyên trên tay người dân nghèo tại những bản vùng cao còn nhiều khó khăn. Ðó là cảnh mà chúng tôi bắt gặp rất nhiều trong chuyến đi về cơ sở thời gian gần đây, thậm chí chứng kiến có bản 50 - 70% hộ nghèo đều vừa sắm điện thoại mới. Nhẽ ra đây là một điều đáng mừng vì có lẽ thu nhập, đời sống người dân đã được nâng lên nhưng hỏi ra mới biết, những món đồ công nghệ xa xỉ ấy đều sắm từ tiền hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Mới đây, tiền hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã được hoàn thành chi trả đến từng gia đình thuộc tất cả các địa bàn trong tỉnh. Số tiền hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng, nhận 1 lần cho 3 tháng, tuy không nhiều, nhưng đối với các hộ nghèo trên địa bàn vùng cao tỉnh ta có trung bình 5 - 7 thành viên thì tổng số tiền nhận được cũng không nhỏ. Với số tiền này có thể làm vốn đầu tư cây, con giống, phát triển kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn đúng như ý nghĩa khoản hỗ trợ. Thế nhưng đi công tác vùng cao đúng ngày chi trả hỗ trợ, các quán ăn, cửa hàng điện thoại trung tâm xã, huyện đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, không ít “trụ cột gia đình” kéo nhau vào quán nhậu. Những đĩa thức ăn đầy, những vỏ chai bia xếp dài chờ thanh toán. Các cửa hàng điện thoại cũng “ăn nên làm ra” sau nhiều ngày vắng khách do dịch bệnh. Tại một trong những bản nghèo nhất của xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, anh V.A.P. cầm trên tay chiếc điện thoại sáng bóng, mới mua, vui vẻ khoe: “Ðiện thoại mua cho vợ, hơn 4 triệu đồng đấy. Lấy “tiền “covít” (tiền hỗ trợ cho hộ nghèo bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19) là đi mua luôn”. Gia đình anh P. có 6 khẩu, tổng được hỗ trợ là 4,5 triệu đồng. Anh đã mạnh tay chi gần hết số tiền vào chiếc điện thoại thông minh này với mục đích sử dụng để giải trí, nghe gọi thông thường.

Dẫu biết tiền về đến túi, tiêu thế nào là quyền của người được hưởng, thế nhưng nếu sử dụng đúng mục đích, ý nghĩa thì đồng tiền cũng có giá trị hơn. Thay những cái cụng ly ngoài quán xá với anh em, bạn bè bằng bữa ăn nhiều thịt, cá cho cả gia đình. Thay chiếc điện thoại đắt tiền bằng loại phù hợp, đủ đáp ứng nhu cầu, thêm vào đó là những chiếc áo mới, sách vở đầu năm học cho con và những đồ dùng cần thiết trong gia đình. Hoặc biết đầu tư, dành dụm tiền mua con giống về chăn nuôi, cây giống về trồng trọt để 1 đồng tiền “đẻ” thành 2, 3... Thực tế, với một bộ phận người dân, tiền hỗ trợ vừa rồi như “từ trên trời rơi xuống”, có là tiêu cho thỏa thích, hết thì thôi. Việc thụ hưởng chính sách đôi khi được tiếp nhận với tâm lý hưởng thụ. Chính tư tưởng ấy đang làm người nghèo dù được hỗ trợ, đỡ đầu với vô số chương trình, chính sách nhưng vẫn hoàn nghèo, thậm chí ngày càng nghèo. Tiền tiêu rồi không thu lại được nhưng nhận thức, tư duy thì có thể thay đổi. Chỉ mong bà con hiểu được rằng, khoản hỗ trợ này và nhiều chính sách khác là sự quan tâm của Nhà nước để người nghèo thêm điều kiện vượt khó, vươn lên thoát nghèo!

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top