Đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động giám định tư pháp làm việc với UBND tỉnh

15:08 - Thứ Tư, 30/09/2020 Lượt xem: 5487 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình kiểm tra tại Điện Biên, ngày 30/9, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp do đồng chí Vũ Văn Đoàn, Phó Cục trưởng, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh.

Đoàn kiểm tra làm việc tại trụ sở UBND tỉnh.

Theo báo cáo, những năm qua, tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự tại tỉnh Điện Biên tiếp tục được củng cố, kiện toàn; đội ngũ giám định viên tư pháp được tăng cường. Cơ sơ vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động giám định được chú trọng, đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức giám định công lập, gồm Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế; 1 tổ chức giám định theo vụ việc là Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng. Toàn tỉnh có 67 giám định viên tư pháp, chủ yếu thực hiện giám định các vụ việc thuộc 2 lĩnh vực là pháp y và kỹ thuật hình sự. Từ năm 2018 đến hết tháng 6/2020, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh đã thực hiện được gần 2.170 vụ việc; Trung tâm Pháp y tỉnh thực hiện giám định được 1.110 vụ việc; các lĩnh vực giám định tư pháp khác 4 vụ việc. Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; kết luận giám định đúng đắn, khách quan giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, hạn chế oan sai.

Thành viên đoàn kiểm tra cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh liên quan đã tập trung làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, như: Các tổ chức giám định chưa có trụ sở làm việc riêng, thiếu các khoa, phòng, chưa phù hợp với đặc thù của công tác pháp y; phương tiện, thiết bị thực hiện giám định lạc hậu, phương pháp thủ công, độ sai số lớn; số lượng vụ việc trong lĩnh vực pháp y và kỹ thuật hình sự ngày càng tăng, trong khi số lượng người giám định hạn chế, hoạt động của giám định viên trở lên quá tải, hiện nay bình quân một giám định viên phải thụ lý và giải quyết khoảng 60 vụ/năm…

Tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm đãi ngộ hơn đối với giám định viên tư pháp, đặc biệt trong lĩnh vực pháp y; có cơ chế hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phương tiện phục vụ giám định tư pháp; định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về công tác giám định tư pháp cho địa phương; đồng thời sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức tiền bồi dưỡng giám định tư pháp.

Tin, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top