Người Hà Nhì sắt son theo Ðảng

Bài cuối: Sức sống mới nơi cực Tây Tổ quốc

09:10 - Thứ Hai, 05/10/2020 Lượt xem: 7456 In bài viết

Bài 1: Những người lĩnh “ấn” tiên phong

Bài 2: Củng cố, xây dựng tổ chức đảng nơi biên giới

ĐBP - Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979) xã Xính Phình (nay là xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) dù bị tàn phá nặng nề nhưng người Hà Nhì nơi đây luôn sát cánh cùng lực lượng công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng) bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn 4 thập kỷ qua, từ vùng chiến sự ác liệt, người Hà Nhì vẫn kiên cường bám bản, giữ đất, đánh đuổi giặc “dốt”, giặc “đói”, trở thành ngọn cờ  đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, dựng xây cuộc sống mới trên dải biên cương Mường Nhé.

Người dân xã Sín Thầu đào hố trồng rừng. Ảnh: Sầm Phúc

Những triệu phú nơi biên ải

Như một cơ duyên, trong Ðại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ðiện Biên lần thứ V, tôi có dịp tái ngộ lão nông “triệu phú” người Hà Nhì Sùng Phì Sinh nơi biên ải Sín Thầu, điển hình trong phát triển kinh tế huyện Mường Nhé. Vẫn dáng người cao dỏng, nụ cười đôn hậu của 5 năm trước, khi tôi may mắn được cùng ông Sùng Phì Sinh vượt suối Mo Phí, dốc dựng đứng, vén từng bụi cây để lên trang trại nuôi trâu, bò, ong, gà, vịt... rộng mấy quả đồi nằm nép mình dưới chân núi Khoang La San hùng vĩ. Hồi đó, ở Sín Thầu người dân vẫn còn chìm trong đói nghèo thì ông Sùng Phì Sinh đã cất được ngôi nhà xây hai tầng rộng lớn, đẹp bậc nhất Sín Thầu. Ðặc biệt, ông còn mua sắm đầy đủ các loại máy móc phục vụ sinh hoạt và sản xuất (máy xay xát, máy cày, máy tuốt lúa...).

Dành cho tôi ít thời gian trò chuyện, trước khi lên xe trở về Sín Thầu, ông Sùng Phì Sinh phấn khởi chia sẻ: “Vừa rồi, để mở rộng trang trại, tôi đã đầu tư sửa chữa, gia cố lại hàng rào thép gai, trồng thêm cỏ voi và mở rộng con đường mòn để lên trang trại thuận lợi hơn”. Không biết chữ phổ thông, kinh nghiệm chăn nuôi của ông Sinh đều đúc kết từ thực tiễn, học hỏi các bậc tiền bối đi trước. Tận dụng đất đai rộng lớn, ngoài nuôi trâu, bò, ông Sinh mở rộng trang trại, nuôi thêm ong lấy mật, chăn nuôi gia cầm các loại. Tiếng lành đồn xa, đường sá thuận tiện, nhiều thương lái khắp nơi đã về Sín Thầu mua gia súc, gia cầm nhà ông Sinh. Với giá thành từ 25 - 40 triệu đồng/con trâu, bò, ông Sinh nhẩm tính, đàn vật nuôi của gia đình ông hiện có giá trị gần 4 tỷ đồng.

Xuôi quốc lộ 4H, chúng tôi về bản Tá Miếu, bản giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào tìm gặp “vua bò” Chang Váng Sinh. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Sinh vẫn luôn chân, luôn tay cắt cỏ, dọn chuồng trại... Vừa cho bò ăn, ông Sinh bảo: “Muốn đàn bò khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt thì chuồng trại phải sạch sẽ, nguồn thức ăn đảm bảo, tiêm thuốc thú y định kỳ. Chuẩn bị bước vào mùa đông, thời tiết vùng biên giới diễn biến phức tạp, có lúc lạnh 3 - 40C nên tôi phải làm lại chuồng, che chắn cẩn thận. Chứ để bò nhiễm lạnh là có thể mất cả cơ nghiệp”.

Thuật lại câu chuyện gây dựng cơ đồ, ông Sinh nhớ lại: “Những năm 1995 của thế kỷ trước, gia đình tôi nghèo lắm! Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, các con nheo nhóc bữa no, bữa đói. Cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Thế rồi, năm 1998 khi Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 135) được triển khai, gia đình tôi được nhận 10 con bò sinh sản, nuôi trong 3 năm. Với sự nỗ lực, chịu thương, chịu khó chăm sóc đến năm 2001, tôi đã hoàn trả 10 con bò “F1” để dự án giao cho hộ khác, bấy giờ tôi vẫn còn 15 con bò giống “F2”, gần 10 con trâu của gia đình nuôi từ trước. Từ nền tảng này, tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, đặc biệt tận dụng vùng đất đồi hoang hóa, tôi đã cải tạo trồng cỏ voi, gây dựng trang trại rộng lớn nhất nhì Mường Nhé... Ðến nay, đàn bò nhà tôi sinh trưởng và phát triển vượt trội, thời điểm cao nhất tổng đàn lên đến gần 200 con, mang lại nguồn thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm. Từ tiền bán bò, ông Chang Váng Sinh đã xây được ngôi nhà 2 tầng kiên cố, mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền (ti vi, xe máy, tủ lạnh...); vui hưởng tuổi già bên gia đình và con cháu.

Ngọn cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Từ trên đỉnh Khoang La San, “nóc nhà” cực Tây Tổ quốc, nơi có cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, phóng tầm mắt theo những cánh rừng xanh ngút ngàn, các bản người Hà Nhì từ Tá Miếu, A Pa Chải, Tả Kố Khừ... hiện ra với những thửa ruộng bậc thang, nương ngô, nương lúa xanh mát mắt. Những nếp nhà trình tường cổ kính, mái xanh, mái đỏ nằm san sát tạo nên khung cảnh trù phú, yên vui nơi địa đầu Tổ quốc. Bức tranh nông thôn biên giới no ấm, thanh bình ấy được tạo nên nhờ sự nỗ lực, chung tay phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Sín Thầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Pờ Chinh Phạ, quyền Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Là xã biên giới, xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng của Sín Thầu gần như là con số 0. Các tiêu chí “cứng” trong xây dựng NTM: Ðường giao thông, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, y tế... trở thành những rào cản và thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền xã. Ðặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn cao (năm 2015 là trên 60%), một bộ phận bà con vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Xác định rõ những khó khăn, Ðảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân xây dựng NTM với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn, ưu tiên thực hiện các phần việc có tính khả thi cao, tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Ðặc biệt, tập trung thực hiện các tiêu chí gắn liền với đời sống người dân: Xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; kết cấu hạ tầng, môi trường... Từ đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đem lại niềm tin trong nhân dân về những chủ trương “đúng” và “trúng”.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên cơ sở các chính sách ưu đãi (30a, 134/CP, 135/CP, Ðề án 79...) xã Sín Thầu đã xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi: Ðiện - đường - trường - trạm; triển khai đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các gói hỗ trợ đến nhân dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Ðồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia hiến kế, hiến công, hiến đất chung sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM; chỉnh trang nhà ở, vệ sinh bản mường, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Từ thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ đói nghèo cao tới nay thu nhập bình quân đầu người xã Sín Thầu ước đạt 700 - 800 nghìn đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 38,9%, xã đạt 18/19 tiêu chí về xây dựng NTM, phấn đấu cán đích xã NTM vào cuối năm 2020.

Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé đánh giá: “Dù là xã biên giới, xuất phát điểm thấp, nhưng với sự đồng lòng, bền tâm, vững chí của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nhì, xã Sín Thầu là ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo bền vững của huyện Mường Nhé. Hiệu ứng từ Sín Thầu đã tiếp thêm động lực để các xã trong huyện nỗ lực phấn đấu, sớm hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM”.

Bảo vệ vững chắc phên giậu Tổ quốc

Biên giới mùa này mưa như trút nước, lại thêm đợt cao điểm về phòng chống “giặc” Covid-19. Thấu hiểu sự gian nan, bà con Hà Nhì dù còn nghèo, chỉ có củ khoai, rau quả, cân gạo hay sức người... đã quyên góp ủng hộ các chốt biên phòng nơi rừng sâu, núi thẳm. Dù gian khó, hiểm nguy nhưng người Hà Nhì nguyện luôn là hậu phương vững chắc, đồng hành và tiếp thêm niềm tin để những chiến sĩ quân hàm xanh chắc tay súng bảo vệ phên giậu cực Tây Tổ quốc - bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu khẳng định.

Trên đường lên chốt, Thiếu tá Ðặng Văn Tuấn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng A Pa Chải kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về bà con Hà Nhì nơi ngã ba biên giới này. Anh Tuấn bảo: “Hiếm có nơi nào như Sín Thầu, bà con Hà Nhì chiếm gần 100%, dù đời sống khó khăn nhưng họ vẫn kiên cường bám bản, chung tay cùng với bộ đội giữ bình yên biên giới; đặc biệt không di cư, không theo tà đạo, tôn giáo lạ, không đốt rừng làm nương..”. Ðơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới dài 40,5km và 16 cột mốc. Những năm qua, người Hà Nhì luôn là tai, là mắt của bộ đội biên phòng; không tin, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, dụ dỗ lôi kéo vượt biên trái phép; tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy… Ðặc biệt, khi phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật, luận điệu tuyên truyền sai đường lối, bà con Hà Nhì đều báo cáo lực lượng chức năng cũng như chính quyền xã để xử lý kịp thời, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Không chỉ là tai mắt mà người dân Hà Nhì còn tích cực cùng bộ đội tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc. Anh Chu Khai Phà, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Sín Thầu chia sẻ: “Ngoài kiểm tra an ninh biên giới, chúng tôi còn dọn dẹp đường mòn tới mốc, phát cỏ, lau dọn mốc, lùa gia súc của người dân chăn thả xung quanh mốc về khu vực nội biên, ngăn chặn tình trạng phá rừng giáp biên... Ðặc biệt, khi phát hiện trường hợp người dân ngoài khu vực xâm canh, xâm cư trái phép, chúng tôi sẽ khuyên họ trở về”.

Chia tay Sín Thầu, khi bình minh hửng sáng, trên con đường êm thuận trở về phố thị, chúng tôi vẫn còn nhớ lời hẹn và giọng nói ấm áp, kiên định của Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mỳ Lế: “Khi nào Sín Thầu được công nhận đạt chuẩn NTM các đồng chí phải vào chung vui với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nhì nhé”. Tin chắc rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Sín Thầu sẽ gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trở thành “pháo đài” vững chãi bảo vệ vùng phên giậu cực Tây Tổ quốc. 

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top