Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Khi đảng viên quân hàm xanh về bản (1)

17:23 - Thứ Ba, 13/10/2020 Lượt xem: 8465 In bài viết

ĐBP - Đầu năm 2020 có một chủ trương mới được thực hiện tại tỉnh Điện Biên, đó là giới thiệu đảng viên là cán bộ, chiến sĩ biên phòng về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới. Đến nay, dù thời gian triển khai chưa dài, song với nhiều nỗ lực, cách tham mưu, thực hiện sáng tạo; 83 đảng viên mang quân hàm xanh đã để lại dấu ấn tốt đẹp, tạo nhiều chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia...

Kỳ 1: “Làn gió mới” trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở

Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của 83 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng khi được cử về sinh hoạt cùng chi bộ thôn, bản biên giới là củng cố lại công tác xây dựng Đảng đang còn nhiều bất cập ở cơ sở. Thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy, các đảng viên mang quân hàm xanh đã tiếp cận được tình hình chi bộ được giao phụ trách, xác định được nội dung trước mắt cần tập trung tham mưu là nâng cao chất lượng sinh hoạt và tạo nguồn phát triển đảng viên mới…

Đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên vào nghị quyết

Trong chuyến công tác ngược ngàn về cực Tây Tổ quốc trong những ngày cuối tháng 8/2020, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với Trung úy Trương Văn Tùng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Nhé - cán bộ được cử về sinh hoạt cùng chi bộ Huổi Ban, xã Mường Nhé để bổ sung “chất thép” cho chính quyền nơi đây. Thời gian về sinh hoạt cùng chi bộ Huổi Ban chưa nhiều, nhưng với trọng trách trên vai, Trung úy Trương Văn Tùng đã kịp thời bám nắm cơ sở để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc. Anh Tùng chia sẻ: Giống như bao chi bộ nông thôn ở vùng cao khác, việc duy trì nền nếp và nội dung sinh hoạt ở chi bộ Huổi Ban chưa được chú trọng, dẫn đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ đảng chưa cao. Có thời điểm phải 4 - 6 tháng chi bộ mới tổ chức sinh hoạt một lần. Do vậy, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên triển khai đến cơ sở bị chậm trễ, không đạt hiệu quả, bởi đôi khi ngay cả bí thư chi bộ cũng chưa nắm rõ cách thức triển khai, chưa hiểu hết nội dung văn bản. Vì thế, việc ra nghị quyết chưa kịp thời và chưa sát thực tế, dẫn đến việc tổ chức thực hiện phong trào ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Không chỉ vậy, số lượng đảng viên của chi bộ còn ít, trong khi địa bàn rộng, dân cư đông. Cụ thể, Chi bộ Huổi Ban là chi bộ sinh hoạt ghép của 3 bản: Huổi Ban, Co Lót, Co Lót 1 với 7 đảng viên. Trong khi 3 bản này có tổng số hộ dân gần 200 hộ, phân tán trên một địa bàn tương đối rộng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn…

Trung úy Trương Văn Tùng trò chuyện, tìm hiểu tình hình bản, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, phát triển đảng viên với Bí thư Chi đoàn bản Huổi Ban.

Xuất phát từ thực tế ấy, việc đầu tiên đảng viên mang quân hàm xanh Trương Văn Tùng làm là tham mưu cho chi bộ siết chặt lại nền nếp sinh hoạt theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, thực hiện mỗi tháng tổ chức sinh hoạt chi bộ 1 lần. Nội dung sinh hoạt được anh nghiên cứu, tham mưu cho chi bộ từ chính những vấn đề khó nhất trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở ở nơi đây, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên mới. Anh Tùng cho biết: “Thực tế ở 3 bản rất khó tìm và tạo nguồn phát triển đảng viên. Người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, không cố định cho nên việc theo dõi, quản lý chưa được thường xuyên; một số ít thanh niên ở nhà nhưng không tham gia hoạt động đoàn thể, không có hướng phấn đấu vào Ðảng. Nhiều người có nguyện vọng vào Đảng, có ý chí phấn đấu thì lại sinh quá nhiều con… Trước thực trạng đó, tôi đã tham mưu cho chi bộ, xây dựng riêng một nghị quyết về phát triển đảng viên với mục tiêu mỗi năm phát triển được 1 - 2 đảng viên mới. Trong đó, tập trung vào các bản: Co Lót, Co Lót 1, phấn đấu mỗi bản sẽ có một chi bộ độc lập trong tương lai không xa.”

Trung úy Trương Văn Tùng, Đồn Biên phòng Mường Nhé:

Được cử về sinh hoạt cùng chi bộ Huổi Ban là điều hết sức mới mẻ với tôi. Đây là cơ hội để tôi áp dụng những kiến thức được trang bị về công tác Đảng vào thực tiễn một cách sâu sắc và cụ thể…

Nói là làm, Trung úy Trương Văn Tùng trực tiếp đưa nghị quyết mình tham mưu xây dựng vào cuộc sống. Anh đi từng bản, hỏi từng nhà, lựa chọn những quần chúng ưu tú để giới thiệu cho chi bộ quan tâm bồi dưỡng. Trong đó anh đặc biệt quan tâm đến những đoàn viên thanh niên trẻ, tiêu biểu trong phát triển kinh tế, sôi nổi trong các hoạt động phong trào ở cơ sở… Khi đã “nhắm” quần chúng nào, anh thường xuyên đến nhà trò chuyện, nắm bắt tâm tư tình cảm và nguyện vọng từng cá nhân. Đồng thời, anh tham mưu cho chi bộ tổ chức nhiều hoạt động nhằm bồi dưỡng tư tưởng chính trị, nhận thức về đảng, để quần chúng thấm nhuần, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý chí phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Kết quả đến thời điểm này, anh Tùng đã tham mưu cho chi bộ lựa chọn được 3 quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, trong đó 1 quần chúng ở bản Co Lót, 2 quần chúng ở bản Co Lót 1.

Trung úy Trương Văn Tùng (ở giữa) thường xuyên về cơ sở tiếp xúc với người dân để lựa chọn các quần chúng ưu tú.

“Thấm” những tư tưởng về Đảng do Trung úy Trương Văn Tùng bồi dưỡng, đoàn viên trẻ Giàng A Vảng, bản Co Lót 1, là 1 trong 3 người vừa được chi bộ công nhận quần chúng ưu tú chia sẻ, sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng. “Tôi sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của đoàn viên thanh niên, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế để đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo. Cùng với đó là tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương, nêu cao vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”- anh Vảng nói.

Thành công bước đầu của nghị quyết phát triển đảng viên ở Chi bộ Huổi Ban sẽ là tiền đề để đảng viên mang quân hàm xanh Trương Văn Tùng tiếp tục gắn bó mật thiết với nhân dân, tiếp tục tham mưu đề ra những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới.

Tham mưu trúng, giới thiệu đúng

Chi bộ Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ mới chia tách từ Chi bộ Nậm Chim 1 vào tháng 5/2018. Khi chia tách, Phi Lĩnh chỉ có 2 đảng viên là người của bản, còn lại là đảng viên Nậm Chim 1 và cán bộ đảng viên xã về sinh hoạt cùng để gây dựng chi bộ. Năm 2019 và 2020, Chi bộ kết nạp thêm 2 đảng viên mới, nhưng so với số hộ, số khẩu của cả 2 bản Phi Lĩnh 1, 2 (sinh hoạt chung Chi bộ Phi Lĩnh) thì số đảng viên hiện có vẫn rất khiêm tốn. Vì vậy, khi được phân công sinh hoạt cùng Chi bộ Phi Lĩnh, Trung tá Tao Văn Việt, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn xác định: “Việc tham mưu củng cố cơ sở chính trị, tìm nguồn phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Tiêu chí lựa chọn quần chúng ưu tú là những người tích cực tham gia các hoạt động của bản, tư tưởng chính trị vững vàng và có trình độ văn hóa từ lớp 9 trở lên. Tiêu chí này nhằm tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền, tiếp thu, triển khai các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật và các nghị quyết, đồng thời bồi dưỡng họ trở thành nguồn cán bộ không chuyên trách cho bản trong tương lai”. Sau khi lựa chọn, Chi bộ quan tâm động viên quần chúng ưu tú tham gia các hoạt động tập thể và phân công các đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, đánh giá vào cuối năm.

Trung tá Tao Văn Việt dự sinh hoạt cùng chi bộ bản Phi Lĩnh.

Trung tá Tao Văn Việt từ lâu đã trở thành người nhà, thường xuyên về bản, luôn có mặt khi Phi Lĩnh 1, 2 có công việc nên nắm rõ được ai tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm. Từ đó, anh tham mưu bồi dưỡng một số quần chúng ưu tú, như: Giàng A Sáy, tiêu biểu trong phát triển kinh tế bản Phi Lĩnh 1; Giàng A Hồ, Phó Bí thư Chi đoàn sôi nổi của Phi Lĩnh 2. Đặc biệt là quan tâm phát triển đảng viên nữ, bởi cả 2 bản chưa có nữ là đảng viên. Anh giới thiệu bồi dưỡng 2 chi hội trưởng chi hội phụ nữ là chị Giàng Thị Cúc và Vừ Thị Hoa. Mặc dù chức danh này không còn được hưởng phụ cấp hàng tháng và các hoạt động hội cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng chị Cúc và chị Hoa vẫn tích cực trong công tác tuyên truyền hội viên các biện pháp phòng, chống dịch, không xuất nhập cảnh trái phép và tuyên truyền các phong trào hội. 2 chị được Chi bộ và người dân tín nhiệm, đánh giá là những người năng nổ, xứng đáng được xem xét bồi dưỡng để kết nạp Đảng.

Ông Giàng A Phừ, Bí thư Chi bộ Phi Lĩnh cho biết: “Mặc dù mới về sinh hoạt được hơn nửa năm nhưng cán bộ Việt tham mưu nhiều nội dung rất đúng và trúng, nhất là lựa chọn quần chúng ưu tú giới thiệu cho chi bộ. Chi bộ hiện có 13 đảng viên với nhiều đảng viên có kinh nghiệm trong triển khai các công việc là cán bộ xã và người Nậm Chim 1, nhưng khi có đảng viên biên phòng sinh hoạt cùng, Chi bộ như có thêm “trụ cột”, gỡ được nhiều điều khó. Bởi đảng viên biên phòng nói bà con tin tưởng lắm, nghe và làm theo ngay”. Sắp tới, khi Chi bộ Phi Lĩnh đã phát triển vững mạnh, đảng viên Nậm Chim 1 sẽ được rút về để Phi Lĩnh sinh hoạt độc lập. Lúc này, Phi Lĩnh lại càng cần 1 “chân kiềng” là cán bộ biên phòng để củng cố, xây dựng Chi bộ.

Trung tá Tao Văn Việt về cơ sở cùng bà con lao động sản xuất.

Vẫn sẽ cần thời gian để “hạt giống” mà những cán bộ, chiến sĩ biên phòng ươm tại các chi bộ thôn, bản biên giới nảy mầm, đơm hoa kết trái, trở thành những đảng viên mới để phát huy vai trò hạt nhân chính trị cơ sở. Nhưng từ những việc đã làm được, có thể thấy rằng, sự có mặt của các đảng viên mang quân hàm xanh đã mang lại “làn gió mới”, thay đổi nền nếp sinh hoạt, tăng cường tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ và phong trào tại các thôn, bản vùng biên giới…

Chị Giàng Thị Cúc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Phi Lĩnh 1:

Được chị em tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng, tôi cố gắng hết mình vì nhiệm vụ chứ phụ nữ vùng cao chỉ cần giỏi chăm lo con cái, ruộng, nương là được rồi. Nhưng chi bộ, đặc biệt là cán bộ biên phòng thường xuyên trò chuyện, vận động, giới thiệu là quần chúng ưu tú, tôi nghĩ mình cần trách nhiệm hơn, muốn phấn đấu vào Đảng để làm được thêm nhiều việc cho bản,

Kỳ 2: Khắc phục những tồn tại ở cơ sở

Nhóm Phóng viên
Bình luận
Back To Top