Vì một Ðiện Biên đổi mới, phát triển

08:15 - Thứ Tư, 14/10/2020 Lượt xem: 6514 In bài viết

ĐBP - Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, từng ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần đoàn kết, thống nhất quyết liệt trong triển khai, thực hiện; mỗi tập thể, cá nhân nêu cao vai trò, trách nhiệm, đưa các giải pháp mang tính đột phá, thể hiện khát vọng dựng xây. Mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi người dân thực hiện tốt nhất vai trò, chức trách nhiệm vụ của mình sẽ là nền tảng, động lực để đưa Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững.

Ông Hà Quang Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Ðiện Biên Phủ

Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đô thị

Ông Hà Quang Trung (đầu tiên bên phải) trao đổi với cán bộ phường Him Lam bên lề cuộc họp của Thường trực Thành ủy Ðiện Biên Phủ với phường Him Lam.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP. Ðiện Biên Phủ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra đó là: Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đô thị để TP. Ðiện Biên Phủ cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025. Ðây là mục tiêu lớn, đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn.

Xây dựng TP. Ðiện Biên Phủ trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh đúng với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh ta nói chung, TP. Ðiện Biên Phủ nói riêng; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển các đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2050. Hiện nay thành phố đạt 51/59 tiêu chuẩn đô thị loại II, còn 8 tiêu chuẩn chưa đạt, gồm: Dân số toàn đô thị tối thiểu, dân số khu vực nội thành đạt tối thiểu, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ tăng dân số hàng năm, mật độ dân số toàn thành phố, mật độ dân số nội thành, nhà tang lễ thành phố.

Ðể đạt tiêu chí đô thị loại II, trực thuộc tỉnh vào năm 2025, TP. Ðiện Biên Phủ sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm:

Một là: Tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Ðiện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cho phù hợp với địa giới hành chính mới, làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng đô thị. 

Hai là: Thực hiện chỉ tiêu quy mô dân số, mật độ dân số; tập trung việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, gia tăng dân số cơ học. Trong đó đầu tư các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thu hút dân cư vùng trung tâm đô thị hiện hữu, với hướng phát triển chủ yếu là thương mại, dịch vụ và du lịch như: Chợ, siêu thị, nhà hàng, cơ sở dịch vụ, du lịch… để thu hút lao động; xây dựng quy hoạch khu đô thị mới, khu tái định cư, khu dân cư tập trung trong khu vực nội thành để thu hút dân cư.

Ba là: Huy động nhân lực, vật lực, thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố như: Dự án đường 60m và hạ tầng kỹ thuật khung; Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên…

Bốn là: Huy động, phát huy có hiệu quả nguồn lực từ đất đai để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở những vùng xa trung tâm, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thành phố là đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm là: Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng quản lý và khai thác, phát huy có hiệu quả giá trị di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ; quản lý tốt khu vực rừng đặc dụng; phối hợp triển khai có hiệu quả Quy hoạch Tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang, nhằm khai thác thế mạnh về du lịch lịch sử và du lịch sinh thái.

Mạnh Thắng (ghi)

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững

Nhiệm kỳ qua, công tác giảm nghèo bền vững thu được kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung toàn tỉnh. Tuy nhiên, dự ước đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng trên 30% vẫn đang là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên.

Ðể thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn, trước hết cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền gắn với đổi mới hình thức phù hợp với từng đối tượng để người dân dễ hiểu, dễ nắm bắt chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước. Từ đó, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành và người dân trong quá trình thực hiện; đồng thời cũng là cơ sở để người dân kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chính sách, dự án tại địa phương. Tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với người dân, các hộ nghèo, cận nghèo của từng khu vực để người dân nhận thức, hiểu thêm về các chế độ chính sách được thụ hưởng và kiến nghị, đề xuất các vấn đề nảy sinh khi triển khai thực hiện tại cơ sở. Trên cơ sở đó, cấp ủy chính quyền và cơ quan liên quan giải thích điều chỉnh cách thức thực hiện đảm bảo chủ trương, chính sách đạt hiệu quả.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề phải xác định được các nghề xã hội cần để đào tạo. Muốn làm được việc đó phải có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu việc làm của xã hội chứ không đào tạo theo chương trình hiện có của cơ sở. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện công tác xuất khẩu lao động, đẩy mạnh tạo việc làm trong, ngoài tỉnh. Trong đó, coi trọng việc đưa lao động đi làm tại các khu công nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Vì đây là những địa chỉ vừa tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động vừa thực hiện tốt các chính sách theo quy định của pháp luật.

Hải Phong (ghi)

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo

Quan tâm phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Bản Mo (TX. Mường Lay).

Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân cùng với sự nỗ lực quyết tâm của toàn thể cán bộ giáo viên, công nhân viên, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mạng lưới trường, lớp học phát triển tương đối hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt cao; đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng giáo dục được nâng lên, kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các mức độ tiếp tục được duy trì vững chắc và từng bước nâng cao...

Song trong điều kiện của một tỉnh miền núi, biên giới, ngành GD&ÐT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tại vùng đặc biệt khó khăn do còn thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế; do điều kiện kinh tế, địa bàn đi lại khó khăn nên vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học, đi học chưa chuyên cần... Vì vậy, chất lượng giáo dục tại những địa bàn khó khăn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Những năm tới, ngành GD&ÐT sẽ tập trung quan tâm phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực. Trong đó, chú trọng tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giáo dục; chủ động sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên cho các trường để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ðồng thời, chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học trong hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú, các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi; thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định của Chính phủ; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, vùng khó khăn theo đúng quy định hiện hành. Mặt khác, chỉ đạo các trường tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số theo Ðề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh dân tộc thiểu số. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy tại lớp ghép, các điểm trường; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú, tập trung vào các chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục tổ chức thực hiện Ðề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở...

Ðức Linh (ghi)

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư

Cải thiện môi trường đầu tư, huy động tối đa nguồn lực

Ông Nguyễn Phi Sông (thứ 2 từ trái sang), Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai nhiệm vụ.

Giai đoạn 2015 - 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ðiện Biên liên tục tăng điểm và thứ hạng: Từ 56,48 điểm (năm 2015) lên 64,11 điểm (năm 2019); về thứ hạng tăng từ 53/63 (năm 2015) lên vị trí 44/63 (năm 2019), vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số khá của cả nước, xếp thứ 7/14 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Những kết quả trên đã phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Với những nỗ lực ấy, thời gian qua Ðiện Biên đã đón hàng trăm lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Ðiện Biên đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 240 tỷ đồng.

Xác định nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững, thời gian tới Sở Kế hoạch và Ðầu tư tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ. Năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2021 - 2025 nói chung, mục tiêu PCI của tỉnh tiếp tục tăng hạng; giữ vững xếp hạng của tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế ở mức khá. Tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được ở những chỉ tiêu, tiêu chí tăng điểm của những năm trước và tập trung cải thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí thành phần có điểm số giảm, tiêu chí có cải thiện nhưng còn ở mức thấp hoặc bị giảm bậc trên bảng xếp hạng. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Ðồng thời, thực hiện tích hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực vào quy hoạch chung của tỉnh; công khai minh bạch, phổ biến các quy hoạch để doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và tra cứu.

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với phương châm phục vụ, chăm sóc tối ưu, theo sát nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế bằng việc tăng cường các giải pháp, chính sách thu hút; làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp lựa chọn, đề xuất và thực hiện các dự án. Cải thiện, đơn giản hóa các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ động, tích cực trong giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Văn Tâm (ghi)

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Giải pháp đột phá để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tham mưu ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/2016 về phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… Tham mưu tổ chức nhiều chương trình quy mô lớn, cấp vùng, cấp quốc gia; xây dựng và phát triển Lễ hội Hoa Ban, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của Ðiện Biên.

Ðến nay, cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước được đầu tư, nâng cấp; chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch ngày càng nâng cao và mang tính chuyên nghiệp… Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn còn một số hạn chế, sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, khả năng thu hút và cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực quản lý, kinh doanh du lịch, nhận thức, tư duy về du lịch còn chưa đồng đều, chưa phát huy được vai trò của cộng đồng trong phát triển và thu hút du lịch…

Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần chuyển dịch cơ cấu, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác, Sở VHTT&DL đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thu hút, phát triển du lịch. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tăng cường hội nhập quốc tế. Mở rộng liên kết, phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, độc đáo, phát huy thế mạnh và nâng cao tính cạnh tranh. Ðẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu bằng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm thống nhất, chuyên nghiệp và hiệu quả. Hướng tới xây dựng chiến lược phát triển du lịch thông minh.

Văn Thành Chương (ghi)

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Ðến năm 2019, cơ cấu ngành Nông nghiệp giảm theo đúng định hướng (còn 19,34%), nhưng giá trị đóng góp của ngành trong GRDP tăng. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng và xác nhận 19 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và nhân dân. Chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ chính: Rà soát quy hoạch các lĩnh vực để bố trí, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của địa phương và đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa liên kết với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Ngành Nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tập trung phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng lớn theo chuỗi giá trị như: Lúa chất lượng cao với quy mô 2.500ha tại các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Ðiện Biên Phủ; phát triển một loại số cây ăn quả có diện tích lớn, có thể trở thành hàng hóa theo hướng liên kết tiêu thụ gắn với chuỗi thực phẩm an toàn; xây dựng phương án liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Ðiện Biên... với nhà máy chế biến hoa quả của tỉnh Sơn La. Chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng gia trại, trang trại; hỗ trợ, hướng dẫn hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi, chi hội, tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi; sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn thức ăn, kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn thực phẩm sau giết mổ; bảo tồn, phát triển các giống vật nuôi bản địa, tạo ra các sản phẩm đặc sản có chất lượng, giá trị hàng hóa cao.

Ðối với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục triển khai đồng bộ, tập trung nguồn lực, ưu tiên các xã cơ bản đạt các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới. Ðồng thời, phát triển, tạo lập các chuỗi liên kết sản xuất mới; tiếp tục chỉ đạo các chuỗi liên kết đã hình thành đi vào chiều sâu, phát triển bền vững. Tổng kết, đánh giá và điều chỉnh các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, làm cơ sở nhân rộng; thực hiện tốt liên kết “4 nhà”, “5 nhà” trong sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ nông sản. Thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn nữa về các thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo cả 3 hướng: Giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện và giảm thời gian thực hiện.

Thu Phương (ghi)

Ông Trần Thanh Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải

Phát triển hệ thống giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối, lan tỏa, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Từ năm 2015 - 2020, hệ thống giao thông đã phát triển vượt bậc cả số lượng và chất lượng (tăng 1.376km đường các loại) có trọng tâm, trọng điểm. Ðến nay, toàn tỉnh có 9.568,2km giao thông đường bộ; trong đó, mặt đường bê tông xi măng 2.039,1km, mặt đường bê tông nhựa 430,49km, mặt đường đá dăm láng nhựa 1.457,48km, còn lại là đường cấp phối và đường đất; 129/129 xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Ðối với đường hàng không, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư, phương thức đầu tư, quy mô dự án Cảng Hàng không Ðiện Biên, từ đó làm cơ sở để hoàn tất thủ tục, triển khai đầu tư, mở rộng theo đúng quy hoạch. Việc sớm đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên là rất cần thiết, nhằm tháo gỡ “nút thắt” về giao thông vận tải. Không những nâng cao năng lực vận tải hàng không mà còn tạo điều kiện để tỉnh Ðiện Biên thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng lợi thế, nhất là về du lịch.

Mục tiêu đến năm 2025, ngành Giao thông vận tải tỉnh phấn đấu: Có hệ thống quốc lộ qua địa bàn được nâng cấp, cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, V và cấp VI; đường tỉnh từng bước hoàn thiện nâng cấp, cải tạo, nhựa hóa hoặc bê tông hóa mặt đường đạt 100%, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi, an toàn; số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được quanh năm đạt 100%. Giao thông nông thôn nâng cấp cải tạo, cứng hóa 100% tuyến đường huyện; 70% đường cấp xã. Ðặc biệt, hoàn thành việc đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Ðiện Biên theo quy hoạch định hướng đến năm 2030. Ngành Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh thu hút, phát huy mọi nguồn lực; khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động sức mạnh toàn dân để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Mai Phương (ghi)

Ông Phạm Giang Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế

Nâng cao chất lượng tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Những năm qua, ngành Y tế đã có sự phát triển đồng bộ, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Mạng lưới y tế dự phòng được quan tâm củng cố, chủ động tăng cường công tác giám sát, khống chế và dập dịch kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, kịp thời ứng phó với các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiên tai. Mạng lưới khám, chữa bệnh từ tỉnh đến xã được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được cải thiện. Ðẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng; triển khai có hiệu quả các mục tiêu Chương trình Y tế quốc gia; quản lý điều trị tốt các bệnh xã hội, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật mới trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, như: Nội soi bằng laser, nội soi tiêu hóa có gây mê, mổ phaco, cấy chỉ... Triển khai có hiệu quả Ðề án Bệnh viện vệ tinh với 4 bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện Việt Ðức, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh Viện K, Viện Huyết học và Truyền máu). Qua đó ngành Y tế đã đạt được những kết quả tích cực: Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin được duy trì trên 93%; đáp ứng tốt nhu cầu thuốc thiết yếu của nhân dân. Số giường bệnh công lập toàn tỉnh tăng từ 1.676 giường (năm 2016) lên 1.940 giường (năm 2020), đạt 31,7 giường bệnh công lập/vạn dân; đạt 11,78 bác sĩ/vạn dân. Từ 67,7% trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động đã tăng lên 97,7%.

 Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động. Trong đó, tập trung các nội dung như: Củng cố y tế cơ sở, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế, dân số, tập trung vào một số công tác như: Vệ sinh an toàn thực phẩm; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; dân số - kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống HIV/AIDS. Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh, các quy định về thủ tục khám, chữa bệnh tại các tuyến. Ðặc biệt là công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách. Ðẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe; tập trung về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường công tác giáo dục y đức, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, ứng xử và giao tiếp của cán bộ y tế. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, cải cách hành chính tại các cơ sở y tế. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ truyền thông của đội ngũ y tế các tuyến, ưu tiên đội ngũ y tế tuyến cơ sở, đội ngũ cộng tác viên tuyến thôn bản.

  Anh Nguyễn (ghi)

Ông Ðinh Bảo Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính

Chú trọng giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi

Cán bộ chuyên môn Sở Tài chính triển khai công việc.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song giai đoạn 2016 - 2020, nhiệm vụ tài chính - ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: Tổng thu ngân sách ước đạt 55.257 tỷ đồng; trong đó thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước đạt 5.794 tỷ đồng. Tốc độ tăng chi bình quân giai đoạn khoảng 8%/năm.

Có được những kết quả quan trọng đó, ngành Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng thu như: Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và hỗ trợ về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn, sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Hàng năm chủ động tham mưu, kiến nghị với HÐND -  UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo để quản lý và chống thất thu NSNN. Triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo chỉ đạo của chính phủ. Tăng cường thanh tra - kiểm tra các doanh nghiệp, các lĩnh vực có số thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao như: xăng dầu, dược phẩm, thương mại, doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ; doanh nghiệp có rủi ro cao về in, phát hành, mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. 

Trong công tác quản lý, điều hành chi NSNN, ưu tiên dành nguồn, đảm bảo kinh phí tăng lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp người có công, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tăng chi an ninh, quốc phòng... trên cơ sở thực hiện thắt chặt các khoản chi lễ hội, khánh tiết. Thực hiện hạn chế tối đa bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; cắt giảm chi quỹ lương, chi bộ máy, chi hỗ trợ trực tiếp các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với triển khai các nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thời  gian tới, ngành Tài chính tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi. Trong đó, công tác quản lý, điều hành thu - chi NSNN phải hướng tới việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh, ổn định. Từ đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển bền vững các trụ cột của nền kinh tế, trọng tâm là khu vực kinh tế tư nhân; bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu; đảm bảo an sinh và công bằng xã hội, an ninh quốc phòng. Ðảm bảo nguồn thu ổn định, đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành, phát triển nền kinh tế đầu tư từ tài chính công và NSNN; nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi tiêu công, đặc biệt là đầu tư công. Thực hiện đảm bảo an toàn nợ công chính quyền địa phương. Cân đối, bố trí ngân sách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, hộ gia đình chính sách; tăng cường quan hệ hợp tác với nước bạn Lào.

Mạnh Thắng (ghi)

Bình luận
Back To Top