Bài dự thi giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Những công trình ý Ðảng - lòng Dân

14:28 - Thứ Tư, 14/10/2020 Lượt xem: 6170 In bài viết

ĐBP - Hệ thống giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, các dự án giao thông trọng điểm huyện Mường Ảng được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư nhằm kết nối, hình thành các trục kinh tế, hiện thực hóa việc khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh của huyện. Tuy nhiên vì rất nhiều nguyên do, trong đó vướng mắc về giải phóng mặt bằng là cơ bản dẫn tới nhiều công trình bị đình trệ, “đắp chiếu” cả thời gian dài. Với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền huyện Mường Ảng trong công tác tuyên truyền, vận động; những “nút thắt” từng bước được tháo gỡ; các công trình đang bước vào giai đoạn “nước rút” trong sự phấn khởi, đồng lòng của người dân. Tất cả vì một Mường Ảng phát triển hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn.

Bài 1: Khởi đầu khó khăn

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường nội thị giai đoạn I (trục 42m) hay còn gọi là Dự án Ðường 42m và Dự án Ðầu tư xây dựng công trình đường 27m và khu tái định cư thị trấn Mường Ảng (gọi tắt là Dự án Ðường 27m) được xem như những công trình “khai phá văn minh” trên đất “Mường Khoe”. Ngoài đồng bộ mạng lưới giao thông khu trung tâm thị trấn Mường Ảng, những công trình này còn tạo mỹ quan đô thị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung, sự đồng thuận là cả một quá trình gian nan.

Bài 2: Khi lòng dân đã thuận

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra thực địa đường 42m và quy hoạch khu đô thị thị trấn Mường Ảng.

Từ quy mô dự án

Ngay sau khi có chủ trương đầu tư, thực hiện Dự án Ðường 42m, UBND huyện Mường Ảng bắt tay ngay vào việc với mong muốn đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ. Những tưởng khi có quyết định đầu tư, có chủ trương thực hiện thì cứ thế tiến hành nhưng không ngờ khâu giải phóng mặt bằng gặp vô vàn khó khăn; chính quyền và người dân không tìm được tiếng nói chung. Chính quyền thực hiện theo chủ trương, theo luật định, còn người dân lại muốn “bán” được đất với giá cao nhưng “mua” phải… rẻ.

Ðược UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 702/QÐ-UBND, ngày 27/7/2011 với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng, Dự án đường 42m thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ hạ tầng huyện mới chia tách và nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách theo kế hoạch hàng năm của tỉnh. Công trình do UBND huyện Mường Ảng làm chủ đầu tư với thời gian thực hiện tối đa 48 tháng. Công trình có các hạng mục: Làm đường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại trục 42m, đường giao thông nội thị, san ủi Quảng trường trung tâm huyện… với mục tiêu xây dựng mới, đồng bộ mạng lưới đường giao thông và hệ thống thoát nước khu trung tâm thị trấn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ðể thực hiện được các hạng mục này, UBND huyện Mường Ảng phải giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 6,3ha; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 110 hộ, 2 tổ chức thuộc tổ dân phố 7, 8 và bản Hón của thị trấn Mường Ảng. Ðồng thời, bố trí sắp xếp tái định cư cho 41 hộ chính chủ và dự kiến 45 hộ là các cặp vợ chồng sống chung trên 1 thửa đất, người đủ 18 tuổi có nhu cầu tái định cư.

Theo Quyết định số 30/QÐ-UBND, ngày 24/12/2012 của UBND tỉnh ban hành bảng giá các loại đất và quy định áp dụng bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên năm 2013, thì đất ở đối với 83 hộ dân tại bản Hón được đền bù với giá là 70.000 đồng/m2; đất lúa 2 vụ là 26.000 đồng/m2. Ðối với 27 hộ dân ở tổ dân phố 7, 8 thị trấn Mường Ảng được thực hiện theo Quy định số 830/QÐ-UBND, ngày 15/9/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện đầu tư dự án đường nội thị giai đoạn I (trục 42m) huyện Mường Ảng. Cụ thể, vị trí 1 thuộc tổ dân phố 7, 8 có giá 6,5 triệu đồng/m2; vị trí 2 là 2,5 triệu đồng/m2; đường bê tông thuộc tổ dân phố 8 là 750.000 đồng/m2. Ðất tái định cư (nơi đến) tùy thuộc vào từng vị trí đất để được định giá khác nhau, chỗ có giá cao nhất là 6,5 triệu đồng/m2.

Với phương án đền bù và tái định cư này các hộ thuộc diện giải tỏa cho rằng việc áp giá đền bù là quá thấp mà giá đất tái định cư lại quá cao… Từ những bất đồng quan điểm này dẫn đến chính quyền địa phương và người dân không tìm được tiếng nói chung, dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ, đơn vị thi công “năm lần bảy lượt” phải dừng vì không có mặt bằng, còn người dân thì nhất quyết “đoàn kết một lòng” không bàn giao.

Là một trong những người tích cực vận động nhân dân bản mình chấp hành chủ trương của tỉnh, huyện sớm bàn giao mặt bằng cho dự án, ông Quàng Văn Vẹo, nguyên trưởng bản Hón, thị trấn Mường Ảng chia sẻ: Những ngày đầu cùng với đoàn công tác tới các hộ tuyên truyền, phổ biến chính sách rất khó khăn, nhiều hộ không tiếp, giải thích thế nào cũng không được, thậm chí có những gia đình thấy mình đến là họ đóng cửa. Luật Ðất đai do Nhà nước quy định, hơn nữa người dân cứ lấy giá đất thị trường để đòi áp theo, mà giá thị trường thì không có căn cứ, chỉ “nghe nói, nghe đồn” thế thôi! Nói rồi ông Vẹo chỉ vào đứa cháu đang nhảy chân sáo ngoài sân, bảo: Dự án đường 42m có chủ trương xây dựng từ khi nó còn chưa sinh ra, nay nó gần 9 tuổi rồi mà công trình vẫn chưa thể hoàn thành!

Khó khăn chồng chất khó khăn khi Dự án đường 27m là nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa đường 42m và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn thị trấn Mường Ảng, năm 2016 Dự án này mới được phê duyệt, thời gian thực hiện là từ năm 2017 - 2020. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên công trình không thể đẩy nhanh tiến độ, đường chưa có, mặt bằng ngổn ngang… nên những hộ thuộc diện tái định cư không khỏi ái ngại, hoang mang.

Ðoàn viên thanh niên huyện Mường Ảng hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa tới nơi ở mới để “nhường” đất thực hiện Dự án Ðường 42m. Ảnh: Tú Trinh

… Ðến những cuộc đối thoại không hồi kết

Cầm tập giấy tờ dày ngót gang tay, ông Phan Hanh Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai huyện Mường Ảng cho biết: Ðây là những giấy tờ, biên bản làm việc giữa đoàn công tác giải phóng mặt bằng đường 42m với các hộ dân trong diện giải tỏa. Ngoài những cuộc họp, những buổi đối thoại trực tiếp thì không biết bao nhiêu lần tuyên truyền, giải thích, thậm chí mời riêng từng hộ ra hội trường UBND thị trấn, nhà văn hóa để phân tích những lợi ích mà dự án đem lại cho người dân nhưng hầu như không có sự chuyển biến. Dù việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư được huyện thực hiện công khai, đúng với quy định của Nhà nước, chứ không phải thích giá cao thì nâng lên hay tùy tiện hạ giá xuống.

Không đồng ý với phương án bồi thường, nhiều hộ kéo nhau lên phòng làm việc của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng yêu cầu giải quyết, đền bù bằng giá đất thị trường. Thậm chí nhiều hộ còn bức xúc lên hẳn tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở ngành liên quan giải quyết… Ðể người dân hiểu hơn và chia sẻ với người thực hiện chính sách, huyện Mường Ảng còn bố trí xe ô tô chở những người có ý kiến thắc mắc, khiếu nại lên gặp lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng để làm rõ bất cập về giá đền bù. Ông Nguyễn Hanh Thông cho biết thêm, đây là việc “cực chẳng đã” những mong các hộ có đất bị thu hồi hiểu được giá bồi thường thiệt hại, tái định cư là việc thực hiện công khai, được quy định từ Trung ương đến địa phương chứ không phải do chủ đầu tư tự nghĩ ra để áp đặt”.

Là một trong những hộ quyết liệt phản đối việc đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư của nhiều năm trước, bà Ðỗ Thị Vân, tổ dân phố 8, thị trấn Mường Ảng bày tỏ quan điểm: Khi nghe thông tin dự án đi qua tôi cùng bà con khối phố ai nấy đều vui, ủng hộ về mặt chủ trương, vì đây là cơ hội để thị trấn được phát triển. Khi có đoàn công tác đến thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc đất đai, vườn tược - những tài sản gắn liền với đất, chúng tôi đều tạo điều kiện, phối hợp hết sức. Nhưng khi phương án đền bù được đưa ra thì chúng tôi không chấp nhận (năm 2017 - PV). Quan điểm vì sự phát triển chung của huyện chúng tôi chấp nhận giá đền bù không bằng giá thị trường mà chỉ cần điều chỉnh tăng mức giá đền bù từ 8 - 10 triệu đồng/m2 đối với vị trí 1. Thêm vào đó, giá đền bù thấp mà giá đất tái định cư thì cao. Chưa kể chuyển tới nơi ở mới sẽ ra sao, có thể kinh doanh, buôn bán được không? Chúng tôi không biết chính xác vị trí mình chuyển đến nằm ở đâu, chỉ nghe cán bộ huyện nói gần đường 11m và đường 27m, nhưng lúc đó mặt bằng ngổn ngang làm sao bằng nơi ở cũ?

Còn ông Cầm Nhân Mỹ, bản Hón, thị trấn Mường Ảng thì bày tỏ: Gia đình tôi có trên 1.000m2 đất ở chưa kể đất sản xuất. Theo bảng giá bồi thường thì đất ở nông thôn như vậy chỉ được 70.000 đồng/m2, còn đất nông nghiệp là 26.000 đồng/m2. Vì thế, chúng tôi nhất quyết không bàn giao mặt bằng. Gia đình tôi đã ở đây từ nhiều đời nay và sống bằng nghề làm ruộng. Ðến nơi ở mới sẽ làm gì để sống, ruộng cũng không còn đáng là bao…

Cứ như thế, những cuộc đối thoại kéo dài và trở nên căng thẳng, đỉnh điểm là cuối năm 2018 đầu năm 2019 người dân nhiều lần kéo nhau lên tỉnh gặp lãnh đạo các sở, ngành liên quan đề nghị xem xét giải quyết về những vấn đề liên quan tới giá đất đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư thỏa đáng, còn không nhất quyết sẽ không bàn giao mặt bằng...

Bài 2: Khi lòng dân đã thuận

Minh Thùy - Tú Trinh
Bình luận
Back To Top