Dấu ấn xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ XII, vững bước tiến vào ĐH XIII

Dấu ấn ở Đại hội XII và kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

15:39 - Thứ Tư, 21/10/2020 Lượt xem: 6697 In bài viết

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Thực tiễn cho thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Công tác xây dựng Đảng được kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với chỉnh đốn và đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, có tính đột phá. Những kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết hơn, thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố, tăng cường hơn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và những thành quả của nhiệm kỳ này đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Báo Điện tử Chính phủ thực hiện loạt 4 bài viết “Dấu ấn xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ XII, vững bước tiến vào ĐH XIII”:

Bài 1: Dấu ấn ở Đại hội XII và kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Bài 2: Dựa vào Dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước

Bài 3: Cái "thước", cái "khuôn" cho công tác cán bộ

Bài 4: Khi ý Đảng hợp lòng Dân


Bài 1: Dấu ấn ở Đại hội XII và kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Cách đây gần 5 năm, ngày 28/1/2016, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng hoàn thành chương trình với nhiều kết quả tốt đẹp như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá trong diễn văn bế mạc Đại hội. Sự thành công của Đại hội thể hiện trên cả ba khía cạnh: Thành công về văn kiện, về công tác nhân sự, về tổ chức và phục vụ Đại hội. Cả trước, trong và sau Đại hội, Đảng ta nhận được 253 điện, thư chúc mừng của bạn bè quốc tế, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân thế giới đối với Đảng, Nhà nuớc ta, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế, uy tín ngày càng cao của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ đề của Đại hội XII cũng là Tiêu đề của Báo cáo chính trị, gồm 5 thành tố, thể hiện rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng trong nhiệm kỳ là “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Như vậy, Tiêu đề của Báo cáo chính trị vừa kế thừa Tiêu đề Báo cáo chính trị của Đại hội XI, vừa bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới và có 63 từ, tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung uơng, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đại hội đã thực sự phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ và dành nhiều thời gian thảo luận các dự thảo văn kiện Đại hội cũng như công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương, nên có ngày Đại hội làm việc đến hơn 21h mới nghỉ.

Nhiệm vụ “then chốt” xây dựng Đảng được bổ sung nhiều nội dung mới  

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng Đảng và trước sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Đại hội XII đã bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức; bổ sung hai nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng so với Đại hội XI là: Đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Tăng cường công tác dân vận của Đảng.

Đại hội nhấn mạnh việc tổng kết thực tiễn, thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta là: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, phải luôn luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra và lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Cùng với việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, Đại hội nhấn mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đại hội đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ thì nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất và thứ hai là về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đại hội đối với nhiệm vụ “then chốt” xây dựng Đảng. Thực hiện 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, nhất là hai nhiệm vụ trong tâm Đại hội đề ra, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương quy định cụ thể 27 biểu hiện của sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên, với 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Việc quy định này đã giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự gột rửa những hạn chế, khuyết điểm của mình và giúp đỡ đồng chí khác cùng tiến bộ; đồng thời, làm căn cứ để các cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái nghiêm trọng.

Kết quả nổi bật của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức Đảng đặc biệt coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực.

Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành bốn nghị quyết, một quy định và Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 130 văn bản và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các mặt của công tác xây dựng Đảng, cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Nhiều quy định, quy chế lần đầu tiên được ban hành và thực hiện, như: Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có thời hiệu, kể cả khi cán bộ đã nghỉ hưu; Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy trình 5 bước để bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ hơn; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 về việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 về khung tiêu chuẩn chức danh và khung tiêu chí đánh giá cán bộ diện Trung ương quản lý v.v.

Đặc biệt, có những vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm trước nhưng kết quả hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, thì trong nhiệm kỳ này kết quả thực hiện đã cụ thể, thiết thực, có tính đột phá. Nổi bật là, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.

Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Qua hơn hai năm thực hiện, cả nước đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương; 7 tổng cục và tương đương; 83 cục, vụ và tương đương; 119 sở, ngành và tương đương; 5.889 phòng và tương đương; 5.145 đơn vị sự nghiệp công lập. Các địa phương bước đầu đã giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 545 đơn vị hành chính cấp xã, hơn 15.300 thôn, tổ dân phố và hơn 200.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố. Qua đó, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giảm bớt đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cán bộ lãnh đạo, giảm thủ tục hành chính, giảm biên chế, giảm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Một trong những đổi mới quan trọng, có tính đột phá trong nhiệm kỳ này là đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ. Theo đó, việc đánh giá đối với cán bộ được tiến hành thường xuyên, liên tục, xuyên suốt cả quá trình công tác; đánh giá cán bộ toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực, kết quả công tác và sức khỏe; đánh giá của cấp trên, cấp dưới, cùng cấp và sự tự đánh giá của bản thân; đánh giá bằng sản phẩm cụ thể; đánh giá có sự so sánh với các chức danh khác tương đương; đánh giá phải công khai theo quy định và thông qua khảo sát; đánh giá người đứng đầu phải gắn với đánh giá của tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và việc bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương được đẩy mạnh; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng và những biểu hiện tiêu cực khác trong công tác cán bộ từng bước được kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được chỉ đạo chặt chẽ, kiên trì, quyết liệt với tinh thần “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ đã đem lại nhiều kết quả cụ thể, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo và răn đe mạnh mẽ, phòng ngừa sai phạm.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã kỷ luật hàng nghìn tổ chức đảng và hàng chục nghìn đảng viên, trong đó có hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý; công tác dân vận có nhiều đổi mới, nhất là dân vận chính quyền, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Những kết quả cụ thể, toàn diện của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần quan trọng làm cho đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; làm cho Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố, tăng cường hơn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo nền tảng và cơ sở vững chắc để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Bài 2: Dựa vào Dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top