Dấu ấn xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ XII, vững bước tiến vào ĐH XIII

Dựa vào Dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước

15:44 - Thứ Tư, 21/10/2020 Lượt xem: 5036 In bài viết

Đảng phải thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ. Đây là vấn đề rất lớn mà càng nhìn lại chiều sâu lịch sử hơn 90 năm của Đảng, càng nhìn thấy những bài học thực tiễn rất phong phú.

Dấu ấn ở Đại hội XII và kết quả công...

Hội nghị Tổng kết công tác Dân vận toàn quốc năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Thực tiễn không ai phủ nhận được

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, Đảng ta đã đưa dân tộc Việt Nam từ kiếp nô lệ, lầm than trở thành người làm chủ vận mệnh đất nước của mình. Đưa đất nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới trở thành một nước XHCN thế giới phải ngưỡng mộ. Không phải bây giờ, ngay từ thời chống đế quốc Mỹ cứu nước, đã có nhiều người nước ngoài mơ ước sau một đêm ngủ dậy trở thành người Việt Nam. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ một điều rằng, từ cả cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của mình, Bác Hồ đã tổng kết: “Một Đảng, một dân tộc và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, được mọi người suy tôn, kính trọng, không nhất thiết ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, kính trọng nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Đã có một thời mà người nước ngoài mong muốn, mơ ước trở thành người Việt Nam, nhưng nếu đất nước chúng ta vẫn nghèo, đời sống của nhân dân vẫn khó khăn thì không ai nhắc đến tên Việt Nam nữa. Chính vì lẽ đó, Đảng ta đã phải tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc Đổi mới. Đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ đất nước chúng ta, là một cuộc cách mạng đầy cam go, vừa làm vừa mở đường, khai lối. Rõ ràng, qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã “thay da, đổi thịt” từng ngày. Đời sống nhân dân đã thay đổi “một trời, một vực”, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Đây là thực tiễn không thể phủ nhận được.

Đặc biệt trong tư duy lý luận và nhận thức của Đảng ta về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng có sự phát triển vượt bậc. Đến bây giờ, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc, cụ thể, toàn diện, đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng; trong xây dựng có chỉnh đốn, trong chỉnh đốn có xây dựng; giữa xây dựng và chỉnh đốn thì xây dựng là nhiệm cơ bản, chiến lược, lâu dài, còn chỉnh đốn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách trước mắt.

Trong đánh giá cán bộ, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra rằng, đánh giá cán bộ là một khâu khó và yếu nhất hiện nay. Chính vì vậy, đánh giá cán bộ bây giờ phải đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần mới, đó là: Đánh giá cán bộ phải liên tục, xuyên suốt cả quá trình công tác; đánh giá phải đa chiều và theo tiêu chí; đánh giá bằng sản phẩm cụ thể; đánh giá có so sánh với các chức danh tương đương; đánh giá phải công khai và thông qua khảo sát cụ thể, mà mục tiêu cuối cùng là để đánh giá cho đúng người, đúng việc và bố trí cán bộ cho đúng chỗ. Chọn và bố trí sai cán bộ sẽ để lại hậu quả khôn lường lâu dài, nhất là chọn và bố trí sai người đứng đầu.

Nhiều đột phá trong công tác cán bộ

Nhiệm kỳ khoá XI cũng là nhiệm kỳ đầu tiên Đảng ta tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Khoá XII, Đảng ta tiếp tục kế thừa, phát triển nhưng được cải tiến, rút kinh nghiệm nhiều với tinh thần làm thận trọng, kỹ lưỡng từng bước, từng việc một, bảo đảm dân chủ, công tâm, công khai, minh bạch hơn, nhằm kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; đồng thời không bỏ sót những cán bộ thực sự có đức, có tài, có triển vọng, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân.

Thực tế đã cho thấy, nhiều hội nghị Trung ương gần đây, Ban Chấp hành Trung ương đều phải bỏ phiếu xử lý kỷ luật Ủy viên Trung ương. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo cấp uỷ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp là việc làm từ xưa đến nay chưa có. Hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo định kỳ; Quốc hội cũng thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ và những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trong hai nhiệm kỳ gần đây, Bộ Chính trị quy định việc xử lý kỷ luật đảng viên có thời hiệu. Theo đó, những đảng viên vi phạm cách đây 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, bây giờ mới phát hiện ra, nếu đến mức phải xử lý kỷ luật thì vẫn phải xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Quy định này đã khắc phục tư tưởng “tư duy nhiệm kỳ” và quan niệm khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác là “hạ cánh an toàn” trong cán bộ, đảng viên.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Chủ tịch Hồ chí Minh lúc sinh thời đã nói “Tham nhũng là giặc nội xâm” và Người cũng cảnh báo “Thắng giặc ngoại xâm đã khó, thắng giặc nội xâm lại càng khó hơn”. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã từng gọi tham nhũng là “quốc nạn”, là “tệ nạn” liên quan đến sự sống còn của Đảng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài chúng ta đã làm nhưng hiệu quả thấp, thì hai nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ khoá XII, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được đẩy lên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và góp phần quan trọng củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” Đảng ta đã nói từ lâu nhưng chưa làm được; bây giờ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định lại: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền” và Đảng đã làm đúng như vậy. Chính vì thế, nhân dân thật sự tin tưởng, đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Đây chính là nguồn lực và sức mạnh của Đảng, bởi sức mạnh của Đảng chính là sức mạnh to lớn của Nhân dân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã thức ba đêm trắng trước khi ký lệnh tử hình Đại tá Trần Dụ Châu. Đây chính là cách phải chặt một cành cây để cứu một rừng cây. Đến bây giờ, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng thường nói: “Chúng ta phải xử lý một số người để cứu muôn người”.

Vừa qua, mỗi lần xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp cao, đồng chí Tổng Bí thư rất đau xót, nói rằng: “Thật là đau lòng nhưng chúng ta không thể không làm. Vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, vì sự tối thượng của pháp luật nhà nước, vì sự trong sạch của Đảng và vì ý nguyện của nhân dân, chúng ta đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới”. Có thể nói, đây là lời tuyên bố của người đứng đầu Đảng, Nhà nước; là quan điểm nhất quán của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cũng là ý chí, nguyện vọng, mong đợi của nhân dân. Đồng chí cũng nói rằng, chúng ta phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Ai chần chừ, do dự, không quyết liệt, không dám làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Bởi vì nếu chúng ta không làm thì sẽ mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Với tinh thần quyết liệt và không có vùng cấm, đã có hơn 110 cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, gần 30 tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, hơn 20 Uỷ viên Trung ương cả đương chức và nguyên chức bị xử lý kỷ luật, trong đó có một số phải xử lý bằng pháp luật.

Từ thực tế đó, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược càng trở thành vấn đề cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù cán bộ cấp chiến lược không nhiều, cả nước chỉ có khoảng 600 người, nhưng lại có vị trí, vai trò cực kỳ to lớn, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh và sự phát triển của đất nước. Vì thế, Nghị quyết gần đây của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ đã nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trung ương cũng ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, mà trước hết là các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, bởi sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên cũng là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nhiều lần nói, phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, phải chăm sóc đời sống của dân, bởi nếu không có dân thì Đảng lãnh đạo ai? Đây không chỉ là bản chất, truyền thống tốt đẹp của Đảng ta trong suốt 90 năm qua mà còn là bài học kinh nghiệm có chiều sâu lịch sử của dân tộc.

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh rất rõ rằng, trong các triều đại phong kiến trước đây, nếu vương triều nào biết dựa vào dân, thu phục được nhân tâm, biết phát huy sức mạnh của nhân dân và chăm lo đời sống của người dân thì vương triều đó tồn tại lâu dài và đất nước phát triển. Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã tâm niệm rằng “Sức dân như sức nước, nước vừa nâng thuyền nhưng nước cũng lật thuyền”. Còn Bác Hồ thì tổng kết rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Chính vì thế, thời gian gần đây Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế để củng cố, tăng cường mối quan hệ Đảng-Dân; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; Đảng phải thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ. Đây là những vấn đề rất lớn mà càng nhìn lại chiều sâu lịch sử của Đảng, của dân tộc, chúng ta càng nhìn thấy những bài học kinh nghiệm thực tiễn phong phú.

Bài 3: Cái "thước", cái "khuôn" cho công tác cán bộ

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top