Dấu ấn xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ XII, vững bước tiến tới ĐH XIII

Cái “thước”, cái “khuôn” cho công tác cán bộ

15:47 - Thứ Tư, 21/10/2020 Lượt xem: 5251 In bài viết

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. “Lồng cơ chế” chính là các quy định, quy chế, quy trình. Và quan trọng là cả hệ thống chính trị phải cùng tham gia đan "cái lồng cơ chế" đó.

Dựa vào Dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà...

Dấu ấn ở Đại hội XII và kết quả công...

“Lồng cơ chế” dành cho quyền lực

Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng một trong những nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta chưa có đầy đủ cơ chế để kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ. Bởi vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. “Lồng cơ chế” chính là các quy định, quy chế, quy trình và quan trọng hơn là cả hệ thống chính trị phải tham gia đan "cái lồng cơ chế" đó.

Thời gian gần đây, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới rất nhiều quy định, quy chế… nhằm từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ và đã đem lại hiệu quả tích cực trong thực tiễn.

Chẳng hạn, với Kết luận số 13-TB/TW, ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư quy định về xác định tuổi công tác của đảng viên căn cứ vào hồ sơ kết nạp Đảng đã chấm dứt tình trạng chạy tuổi của cán bộ, đảng viên. Trước đây, việc đánh giá cán bộ có nhiều ý kiến cho rằng còn theo định tính mà không có định lượng cho nên không chính xác. Bây giờ, Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ những tiêu chí để đánh giá cán bộ và nội dung cụ thể của từng tiêu chí như thế nào, nên việc đánh giá đối với cán bộ ở mỗi cấp chính xác hơn.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác luân chuyển cán bộ, Bộ Chính trị đã bổ sung, sửa đổi và ban hành Quy định 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Theo đó, đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền; cơ quan cử cán bộ đi luân chuyển; trách nhiệm của đơn vị, địa phương tiếp nhận cán bộ luân chuyển; trách nhiệm của cơ quan tham mưu, quản lý về công tác cán bộ và trách nhiệm của bản thân cán bộ đi luân chuyển… Nhờ đó đã khắc phục được những hạn chế, yếu kém thời gian qua và cơ bản khắc phục được tình trạng “chạy luân chuyển”. Như vậy, các quy định, quy chế về công tác cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chính là nhằm để công tác cán bộ bảo đảm chặt chẽ, công tâm, khách quan, chính xác hơn và thực hiện được mục tiêu cuối cùng là đánh giá cho đúng cán bộ, chọn cho đúng người và bố trí đúng việc, đúng thời điểm.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 25/6/2018.

Điều đáng nói là, để khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền - vấn đề bức xúc nhất trong dư luận xã hội hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này được ban hành ngay trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng càng có ý nghĩa quan trọng hơn, giúp cho công tác chuẩn bị nhân sự tới đây bảo đảm chặt chẽ, khách quan như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Công tác chuẩn bị nhân sự phải được tiến hành từng bước, từng việc, thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, bảo đảm thật sự dân chủ, công khai, minh bạch, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào cấp uỷ khoá tới”. Những người không xứng đáng là những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, những người chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

Điểm mới nhất, quan trọng nhất của Quy định này là đã chỉ ra được những địa chỉ mà người ta hay “chạy đến”, nói cách khác là chỉ ra những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định về công tác cán bộ, quyết định việc đề bạt, bổ nhiệm, điều động… cán bộ. Thực tế cho thấy, trong công tác cán bộ, có những tập thể, cá nhân có thẩm quyền quyết định về cán bộ, có những tập thể, cá nhân chỉ đóng vai trò tham mưu hoặc có trách nhiệm lên quan đến công tác cán bộ. Vì vậy, trong Quy định 205, Bộ Chính trị đã quy định rõ trách nhiệm của tập thể, từng cá nhân có thẩm quyền trong công tác cán bộ, cơ quan tham mưu, đề xuất, người đứng đầu, những tập thể, cá nhân có liên quan có trách nhiệm gì, được làm gì và không được làm gì…

Cụ thể, Quy định của Bộ Chính trị nói rõ trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng, lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ phải nắm vững quy trình về công tác cán bộ, phải quyết định một cách dân chủ, khách quan, bao nhiêu thông tin phải đưa ra hết để báo cáo tập thể… cũng như quy định rõ những gì không được làm. Phải bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy trình năm bước thay cho quy trình ba bước trước đây, nhằm mở rộng dân chủ và khách quan hơn. Mọi hồ sơ, giấy tờ phải gửi trước cho các thành viên để nghiên cứu, không được đến cuộc họp mới gửi tài liệu cho các thành viên dự họp.

Quy định này cũng chỉ rõ từng thành viên trong tập thể phải có trách nhiệm nghiên cứu kỹ lưỡng, phải thể hiện rõ chính kiến của mình, phải cung cấp đầy đủ những tư liệu mình nắm được trước tập thể. Trách nhiệm của người đứng đầu còn được quy định chi tiết đến mức phải triệu tập cuộc họp về công tác cán bộ có đầy đủ các thành viên tham dự, không để ai vắng mặt. Người chủ trì phải bố trí thời gian hợp lý để mỗi thành viên đều có thời gian suy nghĩ, khoảng không gian yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi người khác, thực sự phát huy quyền dân chủ của mình. Trong trường hợp đang còn những ý kiến khác nhau, người đứng đầu phải kết luận rõ, phản ánh trung thực, đầy đủ. Khi phản ánh, báo cáo lên cấp trên, người đứng đầu phải thật sự khách quan, công tâm, nêu rõ tập thể có ý kiến như thế nào, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Với cơ quan và cán bộ tham mưu, đề xuất có trách nhiệm phải báo cáo trung thực, cung cấp hồ sơ đầy đủ… Lâu nay, đây là điểm yếu của công tác cán bộ cho nên xảy ra tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một thời gian, sau đó mới phát hiện ra sai phạm, để phải kỷ luật, cách chức... nhưng không thấy vai trò, trách nhiệm của người tham mưu, đề xuất đâu. Bản thân nhân sự, những người đang được thực hiện quy trình về công tác cán bộ phải có trách nhiệm kê khai trung thực, không được dùng lợi ích vật chất và phi vật chất để tác động vào tổ chức, cá nhân khi ra quyết định.

Quy định của Bộ Chính trị đã giải đáp được thế nào là chạy chức, chạy quyền, những hành vi nào, biểu hiện nào thể hiện chạy chức, chạy quyền. Ví dụ một người cứ tìm mọi cách để gặp gỡ những người có trách nhiệm trong vấn đề này một cách khác thường, tổ chức những cuộc liên hoan, thể thao, rồi quà cáp… nhằm có lợi cho mình.

“Khuôn” cho quyền lực, “thước” cho xây dựng cán bộ

Quy định 205 không phải là quy định duy nhất để thực hiện công tác cán bộ. Trong thực tế chúng ta có rất nhiều quy định, quy chế xử lý đảng viên vi phạm, thậm chí đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, nhưng lần này tăng thêm thể chế, cơ chế để kiểm soát quyền lực tốt hơn. Đừng nghĩ rằng Quy định này như một phép màu nhiệm, phép thần thông, mà thật ra chỉ góp thêm vào hệ thống thể chế của Đảng để khắc phục những tiêu cực trong công tác cán bộ, bố trí và sử dụng đúng cán bộ, như Bác Hồ nói “Dụng nhân như dụng mộc”. Đánh giá đúng năng lực, sở trường của cán bộ mới bố trí, sử dụng đúng, phát huy được mặt mạnh và khắc phục được hạn chế của cán bộ đó. Ngược lại, bố trí sai cán bộ thì hậu quả để lại rất lớn, nếu bố trí sai người đứng đầu thì hệ lụy để lại rất khôn lường, không thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Thực tế vừa qua, khi xử lý những vụ án kinh tế dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều có thể tính ra thiệt hại, lãng phí, thậm chí tham ô, tham nhũng, thất thoát bằng tiền. Nhưng khi mất mát về cán bộ, chúng ta không thể tính được bằng tiền. Hậu quả về con người không thể một sớm, một chiều có thể khắc phục được. Nếu chúng ta đề ra nhiệm vụ chưa hết, có thể còn thiếu, chưa thật cụ thể hoặc chưa chính xác thì các kỳ hội nghị, cấp uỷ có thể bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng nếu đưa một cán bộ vào cấp uỷ mà không đúng thì không dễ gì thay và sẽ để lại hệ luỵ lâu dài. Chính vì công tác cán bộ quan trọng, ý nghĩa như vậy nên những vấn đề về công tác cán bộ là vấn đề muôn thuở, lâu dài.

Một chủ trương, nghị quyết, quy định khi đáp ứng được mong mỏi của người dân, được dân tích cực hưởng ứng, giám sát thì chắc chắn sẽ thành công, chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống. Đây chính là cơ sở cho chúng ta thực hiện, là cái “thước”, cái “khuôn” cho công tác kiểm tra, giám sát thực hiện về công tác cán bộ.

Bài 4: Khi ý Đảng hợp lòng Dân

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top