Kỳ họp thứ 10 (đợt 1), Quốc hội khóa XIV hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra

21:32 - Thứ Hai, 26/10/2020 Lượt xem: 5601 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (26/10), kỳ họp thứ 10 (đợt 1), Quốc hội khóa XIV theo hình thức trực tuyến đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về các nội dung: Công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác năm 2020 của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; công tác thi hành án năm 2020; báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị TP.Hồ Chí Minh và nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Các đại biểu nhất trí cao với  báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp về kết quả công tác năm 2020 và đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Trong công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi trên 44,5 tỷ đồng và trên 1.400ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ với 135 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 54.770 tỷ đồng; cơ quan công an đã thụ lý 521 vụ với 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ với 962 bị can; Tòa án Nhân dân các cấp thụ lý 436 vụ, 1.175 bị cáo. Trong công tác thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đã thi hành xong 3.605 vụ việc; số tiền thu được hơn 15.017 tỷ đồng.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu quốc hội nhấn mạnh tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện hơn; số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Tình trạng “tham nhũng vặt” ở một số cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra; công tác quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng – ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính ở một số địa phương còn bất cập… Trong công tác phòng chống tội phạm, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm trước sự gia tăng của nhiều loại hình tội phạm. Đáng chú ý như tội phạm hiếp dâm tăng trên 13%; gây rối trật tự công cộng tăng trên 53%; chống người thi hành công vụ tăng đến 260% và tội phạm giết người thân tăng 170%. Trên cơ sở mức độ nghiêm trọng và hậu quả các hành vi gây ra, nhiều đại biểu đã kiến nghị cùng với việc phát hiện sớm, xử lý nghiêm, lực lượng chức năng cần có những giải pháp tăng cường giáo dục, tuyên truyền pháp luật để ngăn chặn từ gốc, nhất là với nhóm đối tượng trẻ vị thành niên. Có đại biểu đã bày tỏ lo lắng khi gần đây tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tham gia ý kiến đóng góp vào các báo cáo, đại biểu Trần Thị Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng: Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực đề ra các giải pháp nhằm đấu tranh quyết liệt, phòng ngừa và chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay xuất hiện loại tội phạm mới đó là nạn bảo kê máy gặt khi mùa gặt đến ở nhiều địa phương đang cướp đoạt thành quả lao động của người nông dân, gây bất ổn an ninh trật tự ở nhiều nơi. Loại tội phạm này có mục đích là thầu toàn bộ cánh đồng, ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng đã nhận bảo kê với giá cao. Nếu không đồng ý sẽ không cho gặt, hoặc giữ lại lúa thu hoạch. Đối với chủ máy gặt ngoài địa bàn, nếu muốn đưa máy gặt vào thì nộp cho tội phạm bảo kê 20-30 nghìn đồng/sào thì mới được gặt thuê. Nhiều chủ máy gặt vì muốn yên ổn làm ăn nên phải nộp 1-2 triệu đồng/máy gặt hoặc phải nộp tiền tính trên đầu sào. Đại biểu Trần Thị Dung nêu ý kiến: Báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại nông thôn chưa đề cập đến loại hành vi này. Đây là loại tội phạm mới, hành vi mới, nhưng tính chất của nó là cưỡng đoạt tài sản của người dân. Nếu tội phạm bảo kê không thực hiện được sẽ dẫn đến cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người. Theo đó, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt, tăng cường nắm địa bàn và ngăn chặn từ gốc, xử lý nghiêm các hành vi bảo kê để đảm bảo trật tự, an ninh vùng nông thôn, bảo vệ thành quả lao động của người nông dân.

Dự kiến, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục phiên họp đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội diễn ra từ ngày 2 – 17/11/2020.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top