HĐND tỉnh giám sát công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề

18:19 - Thứ Năm, 05/11/2020 Lượt xem: 6013 In bài viết

ĐBP - Từ ngày 5 - 6/11, HĐND tỉnh lập 2 đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020. Tổ giám sát số 1 do đồng chí Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn tiến hành giám sát tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KTKT) Điện Biên, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục & Đào tạo. Tổ giám sát số 2 do đồng chí Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Trường Cao đẳng Nghề và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đồng chí Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng thành viên đoàn giám sát thăm lớp đào tạo nghề thợ tóc chuyên nghiệp tại Trường CĐKTKT Điện Biên.

Giám sát tại Trường Cao đẳng KTKT Điện Biên và Sở Nội vụ, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã nghe báo cáo kết quả thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề giai đoạn 2015 - 2020 của các đơn vị. Theo đó, những năm qua Trường CĐKTKT Điện Biện đã chủ động làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp, đầu tư, phát triển nhà trường. Trong 5 năm, Trường đã cử hơn 400 nhà giáo đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khác; đầu tư hơn 58 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo. Công tác tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề đào tạo được thực hiện hiệu quả, chất lượng đào tạo được nâng cao. Trường cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho phát triển hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề...

Thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề giai đoạn 2015 - 2020, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thị, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã. Giai đoạn 2015 - 2020 đã có hơn 2.400 cán bộ, công chức xã được cử đi bồi dưỡng theo 26 bộ tài liệu do Bộ Nội vụ ban hành. Để đảm bảo chế độ chính sách cho người học, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về quy định chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh; ban hành quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thảo luận tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị bổ sung, làm rõ thêm một số thông tin về kết quả, chất lượng đào tạo, việc sử dụng nguồn kinh phí, công tác thanh tra, kiểm tra... Trường Cao đẳng KTKT kiến nghị tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và các nguồn lực khác để nhà trường phát triển ngành, nghề đào tạo; bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ và thu hút đối với cán bộ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về công tác tại tỉnh; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ đối với nhà giáo và người học trong hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sở Nội vụ kiến nghị tăng kinh phí phân bổ theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 1600/QĐ-TTg hàng năm cho những tỉnh miền núi có điều kiện khó khăn như Điện Biên nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong giai đoạn mới...

Phát biểu tại buổi làm việc với các đơn vị, Chủ tịch HĐND tỉnh Lò Văn Muôn ghi nhận kết quả mà các đơn vị đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề những năm qua. Đồng thời đề nghị các đơn vị tiếp tục khắc phục những tồn tại, khó khăn để thực hiện tốt chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề những năm tới. Về những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, Đoàn sẽ tổng hợp chuyển UBND tỉnh xem xét giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền trong thời gian tới.

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn giám sát kiểm tra mô hình dạy nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng nghề.

* Tổ công tác số 2, đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đã nghe Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Cao đẳng nghề báo cáo việc thực hiện các chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, Sau 5 năm thực hiện các chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề giai đoạn 2015 - 2020 tại Trường Cao đẳng Sư phạm có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyển sinh được thực hiện theo đúng quy chế, quy định. Từ năm 2015 đến nay trường thực hiện đào tạo cho gần 1.350 học sinh sinh viên; cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý giáo dục và bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho gần 8.000 lượt học viên. Trường đã thực hiện liên kết đào tạo hệ đại học, thạc sĩ cho trên 2.000 cán bộ công chức, viên chức. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện toàn diện với 47/55 tiêu chí đạt yêu cầu. Các chế độ miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí học tập, học bổng, chính sách nội trú sinh viên được thực hiện đầy đủ với tổng số tiền gần 28 tỷ đồng...

Còn tại Trường Cao đẳng nghề hiện nay đang đào tạo 22 ngành nghề với chương trình đào tạo chú trọng gắn kết nhiều hơn với thị trường lao động việc làm. Tỷ lệ thực hành, thực tập được nâng cao, nội dung mô-đun thực tập cơ sở và thực tập tốt nghiệp của học sinh, sinh viên được xây dựng đổi mới theo hướng gắn với thực tế doanh nghiệp. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 được nhà trường chú trọng với 46 lớp, gần 1.400 người học trong giai đoạn 2015 – 2020. Các lớp này cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về các nghề liên quan và rèn luyện hình thành kỹ năng nghề nghiệp. Trong giai đoạn 2015 – 2020, trường tuyển sinh, đào tạo cho trên 10.870 học sinh, sinh viên và học viên. Trong đó, 632 sinh viên trình độ cao đẳng, 1.097 học sinh trung cấp, 9.141 học viên sơ cấp và đào tạo thường xuyên…

Tại các buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã thảo luận, trao đổi với các trường để làm rõ các vấn đề khó khăn và giải pháp trong công tác tuyển sinh; đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của xã hội; phối hợp với các huyện, ngành trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác nâng cao chất lượng, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ giáo viên; việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; các chế độ chính sách cho học sinh sinh viên; cơ sở vật chất trường lớp, ký túc xá…

Phát biểu tại các buổi giám sát, đồng chí Giàng Thị Hoa đề nghị các trường quan tâm tới công tác phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp để làm tốt việc tuyển sinh, đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội. Với các kiến nghị, đề xuất, đồng chí Giàng Thị Hoa ghi nhận, tiếp thu và đề nghị các đơn vị tổng hợp lại cụ thể, rõ ràng hơn để gửi lại cho đoàn giám sát.

Tin, ảnh: Đức Linh – An Chi
Bình luận
Back To Top