Đoàn Giám sát HĐND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

12:26 - Thứ Sáu, 06/11/2020 Lượt xem: 6241 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát, ngày 6/11, Đoàn giám sát HĐND tỉnh chia thành 2 tổ, giám sát tại: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đồng chí Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT. Ảnh: Đức Linh

Tổ công tác số 1, do đồng chí Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh làm tổ trưởng đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề giai đoạn 2015 - 2020. Báo cáo của Sở GD&ĐT, cho thấy: Giai đoạn 2015 - 2020, Sở GD&ĐT đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề; chủ động quy hoạch, sắp xếp, đầu tư mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Từ năm 2015 đến tháng 6/2018, Sở quản lý Trường Cao đẳng Sư phạm, Trung tâm GDTX tỉnh và 7 trung tâm GDTX cấp huyện. Song từ tháng 7/2018 do bàn giao trung tâm GDNN - GDTX về UBND các huyện nên hiện Sở chỉ quản lý Trường Cao đẳng Sư phạm và Trung tâm GDTX tỉnh. Công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, điều chuyển được Sở thực hiện đúng quy định. Năm học 2019 - 2020, toàn ngành có hơn 26.500 lượt cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng giáo viên cốt cán, bồi dưỡng chuyên môn, đại trà, chính trị. Công tác tuyển sinh, đào tạo được đơn vị chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc. 5 năm qua, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đã tổ chức đào tạo hệ chính quy cho hơn 3.470 học sinh, sinh viên; chất lượng đào tạo được nâng cao. Công tác liên kết, phối hợp đào tạo đại học và sau đại học được quan tâm thực hiện, trong 5 năm các đơn vị đã phối hợp với các trường đại học thực hiện đào tạo trình độ đại học hệ vừa làm vừa học được 97 khóa với tổng số 4.768 học viên, tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sỹ cho hơn 1.010 học viên. Việc sử dụng nguồn kinh phí cho phát triển hệ thống giáo dục chuyên nghiệp được thực hiện đảm bảo, giai đoạn 2015 - 2020 tổng kinh phí thực hiện là hơn 196,7 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt trên, trong quá trình thực hiện đơn vị cũng gặp một số khó khăn như: Tuyển sinh một số ngành ngoài sư phạm không đủ chỉ tiêu; không bố trí đủ định mức giảng dạy cho một số giảng viên; nguồn kinh phí cho phát triển hệ thống giáo dục chuyên nghiệp còn hạn chế; công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn. Theo đề nghị của Đoàn giám sát, Sở cũng trao đổi thêm một số thông tin về một số ngành liên kết đào tạo; việc thu và sử dụng nguồn kinh phí liên kết đào tạo; số liệu công tác thanh tra, kiểm tra. Sở GD&ĐT kiến nghị với Đoàn một số nội dung: Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thuộc giáo dục nghề nghiệp; có cơ chế để thu hút cán bộ, giảng viên có trình độ cao phục vụ giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lò Văn Muôn ghi nhận kết quả mà Sở GD&ĐT đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề giai đoạn 2015 - 2020. Với những đề xuất, kiến nghị của đơn vị, Đoàn cũng ghi nhận, tiếp thu để xem xét, chuyển các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền gải quyết trong thời gian tới.

Tổ giám sát số 2 của HĐND tỉnh do đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Tổ trưởng cũng làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) sáng 6/11.

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: An Chi

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, 3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thị xã; trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của người lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch phù hợp với đào tạo nghề. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2020, các cơ sở đã tuyển sinh đào tạo cho gần 48.000 người (cao đẳng trên 760 người; trung cấp 1.130 người; sơ cấp và đạo tạo dưới 3 tháng gần 46.000 người) đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 57%. Cùng với đó, Sở đã chủ động tạo gắn kết giữa các trung tâm, trường, doanh nghiệp, tập đoàn thực hiện phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhu cầu nguồn lực của thị trường và doanh nghiệp sử dụng lao động. Đặc biệt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng...

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tập trung làm rõ các nội dung việc tuyên truyền, định hướng, các chính sách cho người học nghề; tổ chức mạng lưới các trường nghề, trung tâm dạy nghề; tạo điều kiện cho lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh; điều tra khảo sát, dự báo nhu cầu việc làm để có định hướng đào tạo; phân tích tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo; tổ chức kỳ thi tay nghề cho người lao động…

Đồng chí Giàng Thị Hoa đánh giá cao những kết quả trong công tác đào tạo nghề Sở LĐTB&XH thực hiện trong thời gian qua. Đồng tình với những tồn tại, hạn chế, khó khăn và những giải pháp mà Sở LĐTB&XH nêu, đồng chí Giàng Thị Hoa còn đề nghị đơn vị nghiên cứu bổ sung giải pháp thanh tra kiểm tra công tác dạy nghề, nhất là với cấp huyện; rà soát lại các quy định còn phù hợp hay không để tham mưu cho UBND tỉnh. Ngoài ra, đồng chí Giàng Thị Hoa đề nghị Sở bổ sung các nội dung thành viên tổ giám sát yêu cầu để gửi lại HĐND tỉnh trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Đức Linh - An Chi
Bình luận
Back To Top