Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

16:29 - Thứ Sáu, 13/11/2020 Lượt xem: 6695 In bài viết

ĐBP - Ngày 13/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Đại biểu Mùa A Vảng (đoàn Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), gồm 8 chương, 69 điều, tăng 13 điều so với luật hiện hành; trong đó có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều.

Phát biểu tham gia tại phiên thảo luận, đại biểu Mùa A Vảng (đoàn Điện Biên) đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật cũng như các điều, khoản của dự thảo luật. Góp ý vào Điều 24 về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Mùa A Vảng đề nghị luật nên quy định cụ thể hơn trách nhiệm của UBND cấp xã về công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn. Đối với các trường hợp dừng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Khoản 6 điều này, đại biểu Mùa A Vảng đề nghị nên quy định dừng quản lý đối với các trường hợp bị áp dụng biện pháp “đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Góp ý về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 4) và chính sách của Nhà nước về công tác phòng chống ma tuý (Điều 5), đại biểu Mùa A Vảng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm vận chuyển ma túy thuê, thuê người khác vận chuyển ma tuý và cần quy định rõ hơn, có các chế tài nghiêm khắc hơn về hành vi này. Quy định mức hình phạt nặng hơn đối với các đối tượng nhận vận chuyển thuê ma tuý vì thực chất đây là hành vi buôn bán ma tuý.

Về chính sách của Nhà nước trong công tác phòng chống ma tuý (Điều 5), đề nghị bổ sung quy định “Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống ma tuý, ưu tiên kinh phí đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực biên giới, địa bàn hẻo lánh dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động ma tuý”. Góp ý Điều 33 về quy định bố trí các khu vực riêng biệt đối với đối tượng có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đại biểu Mùa A Vảng cho rằng, quy định như dự thảo luật là chưa hợp lý thống nhất với Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và đề nghị nên quy định là người có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, nhóm B thì thuộc đối tượng phải cách ly khu vực riêng biệt.

Hồ Nam (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)
Bình luận
Back To Top