NGÀY LÀM VIỆC THỨ 17, KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ

09:06 - Thứ Ba, 17/11/2020 Lượt xem: 5409 In bài viết

Tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV, ngày 16-11, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại  TP Hồ Chí Minh và thảo luận những vấn đề về an toàn giao thông đường bộ

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: LÂM HIỂN

Xây dựng chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, gồm 11 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, quy định chính quyền đô thị tại  thành phố, gồm: Chính quyền địa phương ở TP Hồ Chí Minh có  HÐND và UBND. Ở quận và phường không có HÐND mà chỉ có UBND. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TP Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nghị quyết cũng quy định HÐND thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn, như: Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của quận; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HÐND thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận…

UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ tịch UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận; Ðình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của  UBND quận.

Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1-7-2021. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của QH được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.

Cân nhắc việc tách Luật Giao thông đường bộ

Trong ngày làm việc hôm qua, QH đã tiến hành thảo luận về Luật Giao thông đường bộ và việc tách luật này thành hai luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ðây là nội dung được các đại biểu QH quan tâm và còn những ý kiến khác nhau.

Một số đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, quan điểm khi xây dựng luật nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trên cơ sở phân công nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Hai luật nêu trên có mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, trong đó, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có đối tượng điều chỉnh là nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về an toàn giao thông, bởi hiện nay hơn 90% lỗi vi phạm giao thông thuộc về ý thức, nhận thức; hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn. Mục tiêu của luật là bảo đảm sức khỏe, tính mạng của con người khi tham gia giao thông... Phương án tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật sẽ tăng cường quản lý hai lĩnh vực riêng là bảo đảm trật tự xã hội và phát triển hạ tầng giao thông. Ðể luật có hiệu quả thực tế, cơ quan soạn thảo cần chú trọng những nội dung về quy trình xử phạt nguội; xây dựng hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông, thống kê tai nạn giao thông, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các ngành, chính quyền các địa phương; hoàn thiện hành lang xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống tư pháp; quy trình phân tích, xem xét trách nhiệm của các tổ chức liên quan tai nạn giao thông; công tác bảo vệ hiện trường, phân tích điều tra nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông...

Một số đại biểu khác chưa nhất trí với việc tách luật, vì giao thông đường bộ là một thể thống nhất, được liên kết chặt chẽ, đồng bộ và tương tác bởi bốn thành tố, đó là: kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông và quy tắc giao thông đường bộ. Cả bốn thành tố đều là đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Bên cạnh đó, các vấn đề bất cập trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các vấn đề mới phát sinh có thể được cập nhật đầy đủ và quy định chặt chẽ trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, chưa cần xây dựng thêm luật, dễ gây trùng lắp, khó thực hiện. Ðối với đề xuất chuyển công tác quản lý sát hạch, giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, có đại biểu cho rằng, cần cân nhắc vì có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm nguồn nhân lực mà toàn bộ hệ thống chính trị đang triển khai hiện nay.

Trong ngày làm việc hôm qua, QH đã biểu quyết thông qua dự án Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top