Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững

12:39 - Thứ Ba, 27/07/2021 Lượt xem: 3846 In bài viết

ĐBP - Đó là nhận định của Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên trong phiên thảo luận của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, thể hiện tính ưu việt, nhân văn, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chương trình đã trở thành chính sách nền tảng, xuyên suốt, được thực hiện qua nhiều giai đoạn, góp phần ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Tuy vậy, thời gian qua, quá trình tổ chức, thực hiện chương trình còn có nhiều hạn chế, yếu kém làm cho kết quả giảm nghèo chưa được như mong muốn, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; tốc độ giảm nghèo, mặt bằng giáo dục và trình độ dân trí, mức thụ hưởng dịch vụ y tế, giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi rất thấp so với mặt bằng chung. Tồn tại này một mặt xuất phát từ điều kiện tự nhiên, xã hội không thuận lợi, phong tục, tập quán, văn hóa khác biệt… Mặt khác, cũng xuất phát từ định hướng xây dựng và quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Để khắc phục những tồn tại trên, đại biểu đề nghị: Cần tích hợp nguồn lực giữa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ở những vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, trong quyết định đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng cần tập trung nguồn lực cho các vùng này để dẫn dắt, nâng cao hiệu quả đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, tránh tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải; cần có cơ chế đặc thù cho phép phát huy sự chủ động, sáng tạo của các địa phương; ưu tiên quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, công nghệ thông tin, nước sinh hoạt; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số …

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận
Back To Top