Từng bước xây dựng chính quyền điện tử

08:39 - Thứ Tư, 18/08/2021 Lượt xem: 3806 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả khả quan, tạo sự kết nối ngày càng tiện lợi giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu tổng quan mô hình thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Điện Biên. Ảnh: C.T.V

Quyết định số 1186/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018 - 2022 có nhiệm vụ trọng tâm: Ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước, lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, điểm nhấn trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh là việc khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh từ tháng 9/2019. Đây là hệ thống cho phép tiếp nhận, xử lý và chuyển trả kết quả cũng như tra cứu về tình trạng xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính các cơ quan Nhà nước. Công dân, tổ chức có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày ở bất cứ đâu có kết nối mạng internet. Đến nay, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã đăng tải công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp trực tuyến 1.729 thủ tục hành chính, trong đó có gần 400 thủ tục mức độ 4, 230 thủ tục mức độ 3; thực hiện tích hợp 409 dịch vụ công mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, ngày 19/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 580/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021. Ngoài 550 dịch vụ đang cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ thực hiện thêm 96 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trong đó cấp tỉnh là 83 dịch vụ của các sở: Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Y tế; cấp huyện là 13 dịch vụ.

Tính đến ngày 15/8/2021, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tiếp nhận gần 153.000 hồ sơ, đã xử lý trên 133.700 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn là 87,43%.

Với quan điểm chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tỉnh ta đã xây dựng và hoàn thành các hệ thống nền tảng quan trọng hướng tới xây dựng chính quyền số, chính quyền thông minh. Trong đó, đã xây dựng và ban hành Khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0 phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0; tập trung xây dựng nền tảng chia sẻ và tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và hệ thống thông tin làm nền tảng chính quyền điện tử tỉnh. Đồng thời đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực quản lý, kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh, thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan theo lộ trình. Đơn cử như trong lĩnh vực y tế, mặc dù còn hạn chế song không thể phủ nhận những kết quả CNTT mang lại trong thời gian qua. Đến nay, 50% thủ tục hành chính lĩnh vực y tế cung cấp đạt mức độ 3, 4; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện (HIS); 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, thị xã thực hiện triển khai phần mềm chẩn đoán hình ảnh (PACS/RIS), phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); 50% đơn vị triển khai hệ thống khám bệnh, chữa bệnh từ xa (TELEMEDICINE); 80% đơn vị có hệ thống giao ban trực tuyến; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối và chia sẻ thông tin với cổng bảo hiểm y tế, cổng dữ liệu y tế...

Ngày 6/8 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức giới thiệu mô hình thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Điện Biên. Đây là một trong những bước đi trong mục tiêu hướng tới xây dựng chính quyền số của tỉnh. Mô hình được xây dựng trên nền tảng công nghệ, trong đó nổi bật là 2 modul: Giám sát điều hành giao thông (phát hiện, xử phạt vi phạm theo thời gian thực, truy vết xe và đối tượng, đếm lưu lượng xe...) và phản ánh hiện trường (giúp người dân gửi phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền các cấp thông qua website hoặc app Điện Biên Smart). Những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội được kỳ vọng tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành tạo môi trường năng động để doanh nghiệp và người dân được hưởng các dịch vụ thông minh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top