Nhớ lần cuối Đại tướng thăm lại Mường Phăng

08:09 - Thứ Tư, 25/08/2021 Lượt xem: 4172 In bài viết

ĐBP - Những ngày tháng 8, gần đến kỷ niệm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911), gian phòng tưởng niệm Đại tướng tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thêm ấm mùi hương tỏa. Những cụ già ở Mường Phăng nhớ ngày sinh của bác Giáp hơn ngày sinh của chính mình, cùng con cháu đến đây dâng hương tưởng nhớ người. Và cứ thế những câu chuyện, kỷ niệm về người con đặc biệt của núi rừng Mường Phăng được kể lại...

Anh Lò Văn Ánh lưu giữ bức ảnh bà của mình (cụ Lò Thị Đôi) chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004. Ảnh: Vũ Lợi

Ông Lường Văn Lả (61 tuổi) hiện là Trưởng bản Yên 1 (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ) được gặp bác Giáp 1 lần. Đó là năm 2004 khi Đại tướng về thăm lại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. “Gặp” là từ ông Lả chia sẻ với sự mừng vui, phấn khởi khi được tham gia bảo vệ bác và làm đường để xe đưa bác vào hầm Sở Chỉ huy. Ông Lả kể lại: “Năm ấy, tôi là Xã đội phó, tham gia mở một con đường có thể cho ô tô chạy từ bãi đỗ trực thăng vào trong rừng Sở Chỉ huy để đưa bác Giáp vào thăm. Có thông báo, chúng tôi nhanh chóng thông tin, huy động anh em dân quân. Khi ấy Mường Phăng chưa chia tách (tách 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang) nên lực lượng dân quân cả trăm đồng chí. Nhận nhiệm vụ làm đường đón bác Giáp, mọi người đều hồ hởi, không chần chừ mà bắt tay ngay vào công việc, cùng với các chiến sĩ công binh làm từ chiều đến nửa đêm là hoàn thành con đường”.

Để làm được con đường ý nghĩa ấy, không chỉ là công sức của lực lượng quân đội, dân quân địa bàn mà còn sự ủng hộ, góp sức của nhân dân Mường Phăng. Năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp 93 tuổi, lần cuối về thăm lại Điện Biên, thăm quê hương thứ 2 - Mường Phăng cùng Sở Chỉ huy năm xưa. Ý nguyện ấy của người trong thời khắc lịch sử kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là mong đợi của người dân Điện Biên nói chung, nhân dân Mường Phăng nói riêng. Vấn đề đặt ra làm sao đưa được Đại tướng vào hầm Sở Chỉ huy. Với sức khỏe tuổi 93, Đại tướng không thể đi bộ được. Nhiều phương án được đặt ra, như cõng hoặc khiêng võng nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều không đồng ý. Năm ấy, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nay đang giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh kể lại: “Sau khi từ chối các phương án được đưa ra, Đại tướng còn dặn dò “Tôi về thăm lại nơi làm việc ngày xưa, muốn đi bằng đôi chân mình chứ không để bộ đội khiêng”. Sau khi Đại tướng về nghỉ ngơi, thư ký của bác là Đại tá Nguyễn Huyên gọi điện cho tôi nói rằng không thuyết phục được anh Văn ngồi võng khiêng nên phải tìm cách khác. Tôi báo cáo Tỉnh ủy, 15 giờ chiều hôm ấy, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Long Biên mở cuộc họp, giao trực tiếp cho tôi chỉ huy mở đường để xe đưa Đại tướng vào đến hầm Sở Chỉ huy”.

Ngay sau đó các công tác triển khai diễn ra nhanh chóng, vừa dân vận để nhân dân đồng thuận làm đường qua cánh đồng bản Phăng, vừa huy động 1 đại đội công binh, gần 150 dân quân bắt tay vào thực hiện theo hình thức đường quân sự làm gấp. “Khi nghe tin làm đường đón bác Giáp, nhân dân ủng hộ nhiệt tình, còn bảo chúng tôi không tiếc gì đâu, làm đường cho Đại tướng phải làm cẩn thận, cần thêm nhân lực thì chúng tôi tham gia” - Thiếu tướng Lưu Trọng Lư kể thêm. Con đường đi qua nhiều ruộng của người dân, trong đó có 4 thửa ngập nước, sình lầy. Nhân dân tự tay dọn cây, tháo nước, mang rơm rải lót đường. Các lực lượng vét bùn ruộng, trải lá, thân cây, rơm rạ rồi xếp 2 lớp ghi thép phía trên, buộc cọc 2 bên để đảm bảo độ chắc chắn. Nhờ sự ủng hộ, chung sức ấy, con đường dài 1km, rộng 15m đã hoàn thành trong 8,5 tiếng đồng hồ (từ 17 giờ - 1 giờ 30 phút sáng). Đúng 8 giờ 30 phút sáng ngày 19/4/2004, chiếc máy bay chuyên cơ Mi-172 đưa Đại tướng rời sân bay Điện Biên hướng về Mường Phăng. Khi máy bay hạ cánh, hàng vạn đồng bào đã đứng chờ để đón chào Đại tướng. Đại tướng lên xe của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đi trên con đường mới mở, tiến vào hầm Sở Chỉ huy năm xưa. Thiếu tướng Lưu Trọng Lư xúc động kể tiếp: “Nhìn đường, Đại tướng hỏi ngay có phải vừa mới làm. Vợ và con của Đại tướng bảo bộ đội và nhân dân Mường Phăng đã làm đường cả đêm để đón bố thì bác rưng rưng, lấy khăn lau nước mắt và nói cám ơn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Điện Biên, Mường Phăng. Bác còn thân tình hỏi tuổi và tình hình công tác của tôi, vỗ vai bảo tôi bằng tuổi con trai bác, chúng tôi như các con của bác. Tôi rất xúc động, vui và tự hào đã góp sức thực hiện ý nguyện thăm nơi làm việc cũ của bác, và cũng là thỏa nỗi mong nhớ, trân quý của người dân Mường Phăng dành cho bác”.

Dù Đại tướng đã đi xa nhưng những hình ảnh, món quà, lời căn dặn của bác trong chuyến thăm cuối cùng ấy đến nay vẫn khắc sâu trong trái tim mỗi người dân Điện Biên nói chung, Mường Phăng nói riêng. Trong ngôi nhà sàn cũ, ông Lò Văn Biên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng (bản Bua, xã Mường Phăng) nâng niu chiếc đài quay băng màu đỏ. Đây là chiếc đài đặc biệt mà cả gia đình trân trọng, giữ gìn - món quà của Đại tướng trong chuyến thăm cuối cùng tặng cho cụ Lò Văn Bóng (bố ông Biên), người tham gia bảo vệ an ninh vòng ngoài kiêm liên lạc cho Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Còn tại nhà anh Lò Văn Ánh, bản Phăng 2, bức ảnh của cụ Lò Thị Đôi (bà anh Ánh) chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần cuối lên thăm Điện Biên được treo trang trọng tại gian khách. Cụ Lò Văn Bóng, Lò Thị Đôi đều đã không còn. Trước khi mất, các cụ vẫn dặn dò con cháu gìn giữ kỷ vật, bảo vệ vẹn nguyên khu di tích và xây dựng quê hương Mường Phăng phát triển như Đại tướng kỳ vọng. Anh Lò Văn Ánh (cháu cụ Đôi) chia sẻ: “Cứ đến dịp sinh nhật Đại tướng, gia đình chúng tôi lại đưa con cháu đến thắp hương, tưởng nhớ công ơn của bác. Tôi cũng là một người quản lý bảo vệ trong khu di tích Mường Phăng, sẽ luôn cố gắng giữ gìn di tích cho thế hệ mai sau”. Đó cũng là lời khắc ghi chung của các thế hệ người dân Điện Biên, nhân dân Mường Phăng hôm nay.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top