Sinh hoạt tư tưởng

Nâng cao nhận thức cho ai?

08:46 - Thứ Tư, 25/08/2021 Lượt xem: 3464 In bài viết

ĐBP - Hôm qua tôi vừa gặp chị hàng xóm. Sau một hồi trò chuyện hỏi thăm, đến vấn đề công việc thì chị thở dài: “Nhiều khi cũng không biết phải nâng cao nhận thức cho ai và phải bắt đầu từ đâu”.

Thấy lạ, tôi gặng hỏi thì được biết, một trong những nhiệm vụ của cơ quan chị là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn về vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình. Đây là vấn đề rất quan trọng, về con người, quyết định chất lượng dân số, sự phát triển mọi mặt kinh tế - chính trị - xã hội… Tuy nhiên, không phải cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên giữ vai trò lãnh đạo quản lý nào cũng hiểu. Đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa; đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức, hành động chưa đúng đã đành. Đằng này, còn có những cán bộ lãnh đạo không coi trọng việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi cho nhân dân. Có tổ chức đoàn thể coi đây là việc phụ, thích thì cho “ghé” vài chục phút vào cuộc họp khác, không thích thì lấy cớ để sau. Có trường học thiếu tinh thần hợp tác với cơ quan tuyên truyền trong việc tổ chức các chương trình giáo dục về giới tính, dân số, sức khỏe sinh sản... cho học sinh. Dung lượng, nội dung hoạt động ngoại khóa trong trường học luôn có, nhưng đơn vị nào nhận thức tốt, phối hợp tốt, thậm chí còn chủ động liên lạc, thống nhất triển khai. Ngược lại, không ít trường hợp gây khó dễ, né tránh hợp tác... Nói “mát” như chị hàng xóm nhà tôi là, “nếu có chút kinh phí gửi cơ quan đơn vị, thì dễ làm hơn”.

Thực tế, không chỉ về lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình, mà nhiều nội dung vấn đề khác (giáo dục pháp luật về giao thông, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội...) đều đã được cấp ủy, chính quyền căn cứ chức năng, nhiệm vụ từng cấp, từng ngành giao trách nhiệm phối hợp thực hiện tuyền truyền, phổ biến, giáo dục và báo cáo cơ quan thường trực. Việc cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu nào đó thiếu tinh thần hợp tác trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; có tư tưởng xin - cho, có hành vi tư lợi... cần phải xem xét lại nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức tư cách. Bởi tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không “chuẩn”, sẽ là cái gốc, cái cơ bản dẫn đến nhiều hư hỏng, sai phạm khác.

Như tình huống trong câu chuyện của chị hàng xóm, dẫu chưa phải “kinh thiên động địa”, song chán nản, bất bình là điều dễ hiểu. Bởi xét cho cùng, chẳng mục tiêu, nhiệm vụ nào có thể đạt hiệu quả cao, khi mà bạn đồng hành đắc lực lại bị thay bằng “một bao gạch cần vác trên vai”...

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top